Khi ngân hàng đồng loạt lên sàn
Xây dựng một thị trường chứng khoán bền vững | |
20 năm TTCK Việt Nam: Tiếp tục sẽ đơm hoa, kết trái | |
Phát triển TTCK, sẻ bớt gánh nặng cho ngành Ngân hàng |
Gần cuối năm, thị trường đón nhận nhiều thông tin lên sàn chứng khoán của ngân hàng. Ngày 12/12, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và mã chứng khoán cho Techcombank. Số lượng chứng khoán đăng ký của NH này là hơn 887 triệu cổ phiếu, với giá trị hơn 8.878 tỷ đồng. Cùng ngày hôm đó, với hơn 564 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 5.644 tỷ đồng), VIB cũng được đăng ký lưu ký trên VSD.
Trước đó, cổ phiếu của Kienlongbank cũng được chấp thuận giao dịch trên UPCoM từ ngày 1/11/2016. Mới đây nhất, VPBank cũng đã gửi tới các cổ đông có quyền biểu quyết về hình thức đăng ký và niêm yết cổ phiếu của NH tại VSD. Dự kiến ABBank là NH tiếp theo sẽ lên sàn UPCoM.
Lên sàn chứng khoán là khởi đầu cần thiết để nâng cao tính minh bạch của NH |
Một chuyên gia cho rằng, chuyện NH “lên sàn” đã được lên kế hoạch từ nhiều năm nay. Và đáng lẽ đã phải thực hiện từ cuối năm 2015, nhưng vẫn bị trì hoãn cho tới thời điểm bây giờ. Nhiều NH như OCB, Maritime Bank, hay HDBank… đều có ý định ghi danh trên các sàn giao dịch UPCoM, HoSE. Nhưng hiện các NH này dường như vẫn còn khá yên ắng. Nguyên nhân của sự chần chừ này, theo các NH đưa ra là điều kiện thị trường chưa thuận lợi, giá cổ phiếu quá thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông...
Chia sẻ với tâm tư của nhà băng, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc NH lên sàn là hợp lý, cần thiết, không nên chậm trễ nữa. Và cũng đã sắp đến 31/12/2016 - “hạn chót” theo Thông tư số 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM.
Việc NH lên sàn có thể nhìn nhận dưới hai góc độ. Với quan điểm của khách hàng, NH lên sàn là chuyện rất cần thiết. Bởi khi niêm yết, cổ phiếu của nhà băng sẽ được minh bạch hoá, có giá của thị trường, khi nhìn vào đó khách hàng, cổ đông NH hay các thành phần kinh tế khác sẽ có cơ sở cho những quyết định đầu tư của mình.
Nhưng ngược lại, nếu cương vị là NH thì chưa hẳn. Thứ nhất, NH phải tính toán thời điểm để cổ phiếu của họ có giá bán cao. Vì nếu cổ phiếu chỉ lình xình cỡ 4.000 - 5.000 đồng thì không ai hào hứng cả. Thứ hai, một số NH trước nay không muốn minh bạch tình hình tài chính của mình. Khi lên sàn, đương nhiên báo cáo tài chính phải chuẩn mực, phải có kiểm toán độc lập... thì những ẩn số về nợ xấu, trích lập dự phòng, lợi nhuận... cũng sẽ phải trình ra - điều mà các NH rất không muốn.
Tuy nhiên, theo Nghị định 145/2016/NĐ-CP, nếu DN niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng hạn sẽ bị xử phạt từ 10 đến 400 triệu đồng cũng phần nào tạo áp lực nhất định tới việc lên sàn của các NH. Có thể một vài NH vì sức ép này mà phải lên sàn, song theo quan điểm chuyên gia, có thể lúc đầu NH không mấy tự nguyện nhưng dần dần họ cũng phải tuân theo chuẩn mực, tiến tới minh bạch toàn hệ thống.
Đây là bước khởi đầu cần thiết, các NH có hay không kịp chuẩn bị tuân thủ quy định thì cũng phải lên sàn. Một yếu tố nữa cũng khiến các NH đẩy nhanh quá trình niêm yết là sức ép từ việc nâng cao tính minh bạch theo các thông lệ quốc tế, trong đó có việc triển khai Basel II, đặc biệt với 10 NHTM được lựa chọn thí điểm.
Với trường hợp mới nhất của VPBank, theo NH này việc niêm yết cổ phiếu VPBank trên thị trường chứng khoán sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với đăng ký giao dịch UPCoM, dù có thể sẽ mất thời gian hơn. Bởi vậy NH này muốn trình Đại hội đồng cổ đông cả việc đăng ký giao dịch trên UPCoM để có thể đăng ký giao dịch trước khi hoàn tất các thủ tục để niêm yết.
Rõ ràng, đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ không được rộng rãi, giá trên UPCoM vì thế nhiều khi chưa thể hiện được đúng giá thị trường của cổ phiếu. Trong khi đó niêm yết trên thị trường chứng khoán chính thức phải đáp ứng được tiêu chuẩn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, mọi giao dịch đều được thể hiện rõ ràng vì thế tính minh bạch, công khai cũng cao hơn.
Hiện đang có 7 NH niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán. Gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, Sacombank, Eximbank và SHB. Bước sang năm 2017, chắc chắn sẽ có nhiều NH đẩy nhanh quá trình niêm yết. Nhưng chuyên gia cũng khuyến nghị, tất cả các NH đều phải có những bước chuẩn bị về hạch toán theo chuẩn mực hạch toán của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Những e ngại trước đây còn là ẩn số tới đây sẽ phải công khai: nợ xấu, lợi nhuận, thậm chí những vụ kiện tụng (nếu có) cũng cần phải được rõ ràng mới đủ điều kiện để công khai trên sàn chứng khoán. Đây là điều vô cùng quan trọng. Vì ngành Ngân hàng là xương sống của nền kinh tế. Xương có cứng, thì cơ thể - nền kinh tế mới khỏe mạnh, phát triển bền vững được.