Luật Chứng khoán (sửa đổi): Quy định rõ các loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán
Luật Chứng khoán (sửa đổi): Kỳ vọng lớn cho cả DN và nhà đầu tư |
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình sửa Luật Chứng khoán trước Quốc hội |
Hạn chế, bất cập
Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK). Trong những năm qua, TTCK đã phát triển nhanh và tương đối ổn định, góp phần phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành cho thấy Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể: hạn chế trong các quy định của Luật Chứng khoán. Nội dung một số điều khoản của Luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến cách hiểu khác nhau và gây khó khăn trong áp dụng; một số điều khoản của Luật không còn hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Luật chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi cần phải thể chế hóa bằng Luật; một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế tốt, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại bất cập giữa Luật Chứng khoán và các Luật khác có liên quan; việc tổ chức thi hành Luật Chứng khoán vẫn còn vướng mắc.
Do đó, việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, so với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 Điều, bổ sung 31 Điều, bãi bỏ 31 Điều và giữ nguyên 08 Điều.
Nội dung dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 08 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2017. Cụ thể:
Về hành nghề chứng khoán, để nâng cao chất lượng đội ngũ người hành nghề chứng khoán, bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề chứng khoán, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ các loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán; chuẩn hóa các điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán về năng lực hành vi, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân được cấp chứng chỉ; bổ sung, quy định rõ người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ được hành nghề chứng khoán với tư cách đại diện cho công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (CTQLQ) và chi nhánh CTCK, CTQLQ nước ngoài tại Việt Nam.
Về điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, quy định điều kiện về quy mô của đợt phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ một số trường hợp cụ thể được quy định trong Luật. Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, dự thảo Luật quy định đợt chào bán được coi là thành công khi cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư đạt tối thiểu 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán; tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
Đối với quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành. Một số nội dung quy định về hạn chế đối với quỹ đại chúng được sửa đổi trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực trạng quản lý quỹ tại Việt Nam. Việc chào bán, thành lập, tổ chức lại các loại hình quỹ, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định. Đối với hoạt động của các loại hình quỹ thường mang tính kỹ thuật nên dự thảo Luật quy định thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và pháp luật khác có liên quan.
Về thanh tra, xử lý vi phạm, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, dự thảo Luật bổ sung một số quyền cho UBCKNN như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK; Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.
Quy định của dự thảo Luật đã khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả, bảo đảm phù hợp với các luật khác có liên quan như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng...