Luật Chứng khoán (sửa đổi): Kỳ vọng lớn cho cả DN và nhà đầu tư
Dự luật Chứng khoán: Tăng chế tài xử lý vi phạm | |
Luật Chứng khoán đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi |
Ảnh minh họa |
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, bà Vũ Thị Chân Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) có nhiều nội dung mới đã được bổ sung, sửa đổi mang tính đột phá và kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK).
Theo đó, trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo đã nghiên cứu, trao đổi với nhiều nước, cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước. Chuyên gia đều cho rằng, dự thảo luật đã tiệm cận được các nguyên tắc, chuẩn mực tiên tiến của châu Âu, châu Mỹ; đồng thời, đảm bảo sự phù hợp với đặc điểm tình hình của nền kinh tế Việt Nam.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng, với những điểm mới sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, dự thảo luật sẽ góp phần giúp TTCK ngày càng phát triển, bảo về quyền lợi cho nhà đầu tư; tạo điều kiện cho DN huy động vốn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; từ đó, giúp TTCK ngày càng công khai và minh bạch, đặc biệt là sẽ nâng cao được năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.
“Tất cả các điều luật tại dự thảo mới đều thể hiện mong muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các quy định từ khái niệm đến sản phẩm mới ra hay việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường cũng là để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, vì hàng hóa có tốt thì mới thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tất cả các quy định mới đều tạo ra sự thông thoáng trong việc mở tài khoản, mã số giao dịch cho nhà đầu tư. Các quy định về công bố thông tin hay quy định lập trang web bằng tiếng Anh cũng giúp nhà đầu tư nước ngoài hiểu hơn về DN và TTCK Việt Nam. Chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài là một trong tám chính sách được các cơ quan Chính phủ và nhà đầu tư quan tâm thúc đẩy trong giai đoạn hiện nay”, bà Phương cho biết, đồng thời nhấn mạnh, một số quy định liên quan đến trình tự thủ tục cũng được giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn để tạo sự linh động, kịp thời ứng phó với những diễn biến mới của TTCK và giúp giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư nhanh và hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Quang Việt - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự thảo Luật được Quốc hội cho ý kiến sắp tới với nhiều nội dung mới như: nâng điều kiện vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng đối với đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng; nâng điều kiện vốn điều lệ tối thiểu đã góp đối với công ty đại chúng (lên 30 tỷ đồng); tăng cường sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài; và việc tăng thẩm quyền trong thanh kiểm ra, xử lý vi phạm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…
Trao đổi về việc nâng điều kiện vốn lên 30 tỷ đồng khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, bà Vũ Thị Chân Phương cho rằng, Luật Chứng khoán hiện hành ban hành được 12 năm và đến nay, quy mô của các DN đã tăng lên rất nhiều. Trước đây, Ban soạn thảo cũng đã cân nhắc giữa việc quy định 30 tỷ đồng hay 50 tỷ đồng. Các chuyên gia quốc tế đề nghị con số 50 tỷ đồng để tương ứng với quy định của các nước trong khu vực nhưng ban soạn thảo quyết định chọn 30 tỷ đồng vì hiện nay DN có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên đang chiếm đa số, khoảng hơn 80%.
Liên quan tới công tác giám sát thị trường, bà Chân Phương cho biết, dự thảo luật sẽ được giám sát theo 3 cấp thay cho 2 cấp như hiện hành. Theo đó, ngoài hai cấp như hiện nay là các Sở Giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dự thảo luật bổ sung thêm một cấp là tại các công ty chứng khoán. Theo đó, các công ty chứng khoán nếu phát hiện yếu tố bất thường khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng, thì phải có trách nhiệm báo cáo.
Do vậy, tại dự thảo luật lần này, Ban soạn thảo đã bổ sung thêm các quy định này, nhằm tăng hiệu quả quản lý, thanh tra giám sát thị trường, cũng như đảm bảo theo thông lệ chung quốc tế.