Luật Đầu tư công (sửa đổi): Tăng phân cấp và công khai, minh bạch
Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế và Luật Đầu tư công | |
Đầu tư công trung hạn: Quyết tâm thực hiện dễ dẫn tới dàn trải |
Ảnh minh họa |
Phân cấp mạnh đi cùng công khai, minh bạch
Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã có những thay đổi rất quan trọng nhằm khắc phục các vướng mắc đã trở thành nút thắt, cản trở làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Một trong những vướng mắc lớn nhất trong đầu tư công là các vấn đề liên quan trình tự, thủ tục, phân cấp thẩm quyền quyết định. Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, theo hướng vừa đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan liên quan, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau. Đơn cử theo Luật sửa đổi, HĐND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương do địa phương quản lý.
Luật sửa đổi cũng phân cấp rõ quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Theo đó đưa vấn đề này trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng xác định rõ một số nhiệm vụ và loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư (như nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; nhiệm vụ quy hoạch; dự án đầu tư công khẩn cấp; dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia…). Điều này sẽ giúp loại bỏ các thủ tục mang tính hình thức, trùng lặp, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Cùng với đó, vấn đề bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công cũng được làm rõ trong Luật sửa đổi. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.
Các nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công, bao gồm: Công khai, minh bạch về chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) và hàng năm; Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; Danh mục dự án trên địa bàn; Kế hoạch phân bổ vốn ĐTCTH và hàng năm; Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án…
Khóa mới quyết định kế hoạch ĐTCTH giai đoạn mới
Thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục ĐTCTH là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau. Theo kết quả lấy ý kiến đại biểu ngày 3/6 về vấn đề này, không có phương án nào đưa ra nhận được trên 50% đại biểu lựa chọn. Chính vì vậy, UBTVQH đã xin Quốc hội cho giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành nhưng có chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, giữ nguyên quy định Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quan trọng quốc gia. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư. Nội dung chủ yếu của nghị quyết bao gồm: mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, công nghệ chính, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch ĐTCTH, Luật sửa đổi tại Điều 60 quy định Quốc hội khóa trước chuẩn bị kế hoạch ĐTCTH để Quốc hội khóa mới quyết định tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ.
Đồng thời, để có thể triển khai, thực hiện việc giao kế hoạch đầu tư công ngay trong năm đầu tiên của giai đoạn mới khi kế hoạch ĐTCTH giai đoạn mới chưa được Quốc hội quyết định, khoản 1 Điều 60 quy định: “Tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch ĐTCTH giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này; Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này”.
Tương tự như vậy, đối với kế hoạch ĐTCTH ở địa phương, theo các quy định tại Điều 62 của Luật về trình, phê duyệt và giao kế hoạch ĐTCTH vốn ngân sách địa phương, thì trước ngày 5/12 năm thứ 5 của kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước, Ủy ban Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp khóa trước cho ý kiến về kế hoạch ĐTCTH giai đoạn sau; Ủy ban Nhân dân căn cứ vào dự toán chi ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển, trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.