Đầu tư công trung hạn: Quyết tâm thực hiện dễ dẫn tới dàn trải
Đại biểu Bùi Văn Xuyền |
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách và bản thân các tờ trình của Chính phủ đều ghi nhận mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương cao hơn so với cân đối ngân sách hàng năm có thể thu xếp được. Nếu sử dụng vốn dự phòng chung sẽ thiếu khoảng 155.000 tỷ đồng. Chúng ta đang ở kỳ thứ tư của kế hoạch 4 năm 2016, 2017, 2018, 2019 đã chưa xong, chỉ còn lại tiền của 2020 dự kiến phấn đấu cao cũng chỉ được 217.000 tỷ đồng.
Từ những thông tin trên, theo đại biểu Hàm, phân bổ vốn dự phòng để chia mức vốn trung hạn dự kiến từ 2016 cách đây 3 năm, mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương của năm 2020 là 372.000 tỷ đồng. Trong khi chúng ta chỉ thu xếp thu được 217.000 tỷ đồng mà cam kết chi đến 372.000 tỷ đồng là điều không thể. Quyết tâm thực hiện thì hệ quả là đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin cho là điều chắc chắn khi quá khả năng thu xếp tiền.
“Mặc dù biết sử dụng vốn dự phòng chung sẽ thiếu 155.000 tỷ đồng so với ngân sách hàng năm có thể cân đối được nhưng Chính phủ vẫn trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến phân bổ trong khi không thuyết minh được phương án cân đối nguồn khả thi, không cụ thể cắt giảm mức vốn trung hạn đã giao của dự án nào và cắt giảm bao nhiêu.” – ông Hàm nói thêm.
Cũng theo vị đại biểu thuộc đoàn Phú Thọ, chỉ còn 1,5 năm là hết thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tình trạng chuyển đi chuyển lại đã 3 lần, Chính phủ cũng không thực hiện đúng theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không thể chậm trễ hơn nữa vì sẽ rất ảnh hưởng.
“Tôi thống nhất với đề xuất của báo cáo thẩm tra là giao cho Chính phủ chuẩn bị và quyết định theo nguyên tắc của báo cáo thẩm tra nhưng Chính phủ cần quyết tâm hơn và Quốc hội cần nghiêm khắc hơn không nên để tình trạng này xảy ra thêm một lần nữa và để công khai minh bạch thì Chính phủ nên công khai cho mỗi ngành, địa phương biết mình được dự kiến bao nhiêu và thiếu bao nhiêu tiền so với cam kết trung hạn trước khi làm dự toán năm 2020”, đại biểu Hàm góp ý.
Không đồng tình với đại biểu Hàm, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, nếu Ủy ban Chính sách Ngân sách giao cho Chính phủ quyết định hoàn toàn các nội dung này thì sẽ trái với quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của nghị quyết.
Vì vậy, theo ông Xuyền nội dung này cần xem xét lại, có thể Chính phủ phải trình lại, cần thiết thì giao cho Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định ở từng giai đoạn chứ không nên giao một lần cho Chính phủ và đến tận tháng 10, kỳ họp thứ 10 năm 2020 Chính phủ mới báo cáo lại.
Về việc sử dụng dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 26 dự phòng 10% trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được xác định là các nguồn vốn, các dự án đã được giao cho từng bộ, ngành, địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016 - 2020.
“Vốn này tạm thời giữ lại để xử lý, bổ sung cho các dự án, đó trong quá trình triển khai, hoàn thành các dự án, hoặc có thể để bộ, ngành, địa phương điều chỉnh cho các dự án khác thuộc bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền”, ông Xuyền nói thêm và cho biết, trường hợp các bộ, ngành, địa phương không sử dụng hết số dự phòng này mà vẫn có thể hoàn thành dự án được giao hoặc không cần điều chỉnh cho các dự án khác thuộc các bộ, ngành, địa phương đó thì mới có cơ sở để tổng hợp, điều chỉnh, phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng.
Vị đại biểu thuộc đoàn Thái Bình đề nghị, Chính phủ cần rà soát, giải trình rõ các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu sử dụng nguồn vốn này như thế nào cho đến khi kết thúc kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc đến khi hoàn thành dự án trước khi tổng hợp, phân bổ để điều chỉnh cho các dự án khác.Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay còn 412 dự án đang dở dang, phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Như vậy, cơ sở và thẩm quyền để phân bổ, điều chỉnh dự án này quy định tại Điều 75 Luật Đầu tư công.