Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Vừa chặt chẽ, khả thi, vừa chống thất thu và chuyển giá
Nỗ lực xử lý doanh nghiệp nợ thuế: Cần tăng hình thức xử phạt | |
Tăng cường chống thất thu thuế |
Ảnh minh họa |
Phân tích cụ thể một số nội dung của Dự án luật, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là chưa hợp lý bởi địa vị pháp lý của KTNN đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, KTNN do Quốc hội thành lập và hoạt động độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Cơ quan KTNN là cơ quan đi kiểm tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế. Còn địa vị pháp lý của cơ quan quản lý thuế là cơ quan thực thi các chính sách thuế, nghĩa là cơ quan quản lý thuế là đối tượng bị kiểm tra.
Trường hợp người thực hiện không thống nhất với kết luận của cơ quan KTNN thì có quyền khiếu nại với cơ quan ra quyết định theo Luật Khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng hành chính. Quy định như vậy là phù hợp với địa vị pháp lý của từng cơ quan, một bên là kiểm tra, kiểm toán, một bên là bị kiểm tra, kiểm toán.
Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định: trong quá trình thực hiện kiến nghị của cơ quan KTNN nếu người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp theo kiến nghị của cơ quan KTNN thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp.
Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế xác định lại chính xác nghĩa vụ nộp thuế, người phải nộp thuế phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật… Có nghĩa kiến nghị, kết luận của cơ quan kiểm toán có thể bị cơ quan quản lý thuế xem xét lại...
“Như vậy nghĩa là đã làm thay đổi địa vị người bị kiểm tra, kiểm tra ngược lại người đi kiểm tra”, đại biểu Phong băn khoăn.
Về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, việc giao cho Bộ Tài chính quy định thủ tục xử lý số tiền này là chưa phù hợp.
Bởi lẽ, thứ nhất, quy định như vậy chưa rõ trường hợp số tiền nộp thừa này nếu không trả lại cho chủ sở hữu thì sẽ thuộc sở hữu của ai, nhà nước hay cá nhân nào. Thứ hai, theo dự thảo luật quy định không trả lại tiền nộp thừa cho người nộp thuế nếu không có văn bản yêu cầu trả lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế ban hành thông báo.
Đại biểu Tín cho rằng, việc tước quyền sở hữu với tài sản trong trường hợp này là không có cơ sở pháp lý, không thống nhất với các quy định về sở hữu của Bộ luật Dân sự, không phù hợp với thực tiễn và đạo lý.
“Người nộp thuế chỉ không kịp yêu cầu trả lại số tiền nộp thừa trong 30 ngày mà mất đi quyền sở hữu; chưa kể đến trường hợp vì lý do nào đó mà người nộp thuế không nhận được thông báo của cơ quan thuế, thông báo bị thất lạc... Đề nghị Quốc hội không quy định nội dung này trong dự thảo luật”, đại biểu nhấn mạnh.
Về thẩm quyền xóa nợ thuế, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, Điều 87 quy định thẩm quyền xóa nợ và các chủ thể có thẩm quyền xóa nợ. Tuy nhiên thẩm quyền xóa nợ đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng trở lại đều quy định đối với DN thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 85. Vậy đối với cá nhân và hộ kinh doanh có số tiền nợ trên 5 tỷ, cả nợ thuế, nợ chậm nộp, nợ phạt, thì ai có thẩm quyền xóa nợ?
Giải trình thêm về các nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ nghiêm túc rà soát để đảm bảo phù hợp hệ thống pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ, khả thi trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho người nộp thuế, đảm bảo tăng cường quản lý chống thất thu, trốn thuế, chuyển giá và đảm bảo quản lý được các phương thức kinh doanh mới như hiện nay, đồng thời cũng tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Liên quan đến giá trị pháp lý kết luận của KTNN, Bộ trưởng cho biết, Luật KTNN quy định, báo cáo kiểm toán là bắt buộc phải thực hiện, nhưng báo cáo này không phải quyết định hành chính. Tổng KTNN là người xử lý khiếu nại cuối cùng. Tuy nhiên, trong thực tiễn, quá trình chấp hành kết luận của Kiểm toán, của Thanh tra Nhà nước, cơ quan thuế khi ra quyết định thu thuế của người nộp thuế theo các kết luận này đã xảy ra nhiều trường hợp khiếu kiện, khiếu nại. Nhiều trường hợp chấp hành rất tốt, nhưng một số trường hợp không đồng ý và họ lại kiện ra tòa quyết định truy thuế của cơ quan thuế chứ không phải kiện kết luận của KTNN hay của Thanh tra.
Liên quan đến vấn đề chuyển giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, chuyển giá trong giai đoạn đầu tư rất phức tạp, khó khăn, nên trong dự án luật lần này, Ban soạn thảo đã bổ sung thêm trách nhiệm của các ngành để cùng phối hợp định giá của đầu tư nước ngoài.
“Đây là những vấn đề chúng tôi cho rằng cần phải tiếp tục hoàn chỉnh pháp luật và phải phối hợp giữa các cơ quan cũng như trong tổ chức thực hiện để xác định, kể cả việc có phải phối hợp với các cơ quan thuế nước ngoài cùng thực hiện”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.