Mổ xẻ cổ phiếu Vinatex
Cái khó của NĐT khi phân tích cổ phiếu Vinatex bởi nhiều lẽ, trong đó dễ nhận thấy nhất là các yếu tố tốt và xấu đan xen quá nhiều, mang cả tính thời điểm, phụ thuộc diễn biến ngành, thị trường, người mua… trong khi thông tin từ DN chưa nhiều.
Kế hoạch tăng tỷ trọng sản xuất hàng ODM có thể là một điểm nhấn cho đợt IPO cổ phiếu Vinatex
Để xem xét diễn biến của cổ phiếu, thường sẽ có 3 biến số được lựa chọn, bao gồm: Diễn biến thị trường chung, mức định giá của cổ phiếu đó và cán cân cung cầu. Về thị trường, Vinatex chưa từng niêm yết trên sàn nên những biến động tương đồng với diễn biến thị trường trong các phiên gần nhất chưa quan trọng và cũng không dễ kiểm soát. Điểm đáng mừng cho cổ phiếu Vinatex là sự phân hóa đang trở nên rõ ràng, tác động đến giá giữa các nhóm cổ phiếu cụ thể. Do đó, cổ phiếu Vinatex “thắng” được thị trường chung thì tốt, còn nếu không cũng là chuyện… bình thường.
Hơn nữa, khả năng thị trường chung giảm mạnh trong lúc này là rất khó xảy ra, khi các tin tức kinh tế vĩ mô đều xuất hiện theo xu hướng ổn định. Bên cạnh đó, dòng tiền cả trong và ngoài nước tham gia thị trường vẫn còn rất mạnh. Hầu hết các nhận định đưa ra trong thời gian qua đều có chung quan điểm: TTCK năm 2014 sẽ ổn định.
Về định giá cũng không cần nói nhiều khi, Vinatex là một tập đoàn lớn, có nhiều lợi thế trong hoạt động và tiềm năng trong dài hạn. Thế nên, trong ngắn hạn diễn biến của cổ phiếu Vinatex nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào biến số còn lại đó là cán cân cung - cầu của thị trường. Theo nhiều người kỳ vọng, với lợi thế đầu ngành, khối lượng giao dịch của Vinatex sẽ đạt mức cao. Còn theo một số thông tin khác, Vinatex đã mất gần 2 năm chuẩn bị cho đợt IPO này, trừ trường hợp cổ phiếu tăng giá mạnh, còn lại nếu cổ phiếu đi ngang hoặc giảm thì chiến thuật bán ra thu hồi vốn rồi từ từ tính tiếp là khá phổ biến hiện nay.
Trên thực tế, giá cổ phiếu Vinatex chào bán đã khá thấp, tương đương mệnh giá. Có nghĩa là NĐT bán ra tại mức giá này sẽ bị lỗ rất nặng, chưa kể cổ phiếu Vinatex hiện có giá thấp hơn cả TCM (CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công), hay những DN “đồng cân đồng hạng” với mình. Thông thường, trong trường hợp giá cổ phiếu giảm mạnh xảy ra thì tương ứng sẽ có một đợt phục hồi. Mặt khác, khi Vinatex càng rẻ thì lực mua sẽ càng lớn và ở đây có cơ sở để tin rằng cổ phiếu này có thể đón nhận sức cầu lớn trong thời gian sắp tới.
Ở thời điểm hiện tại, khó có thể đưa ra quyết định chính xác là nên hay không nên mua vào? Giá cả bao nhiêu là hợp lý? Nhưng dựa theo đánh giá của chuyên viên ngành, định hướng chuyển dịch mô hình sản xuất đầy tham vọng mà tập đoàn này đang theo đuổi có thể mang lại hiệu quả nhất định. Cụ thể, đó là bước chuyển từ phương thức sản xuất cắt may gia công (CMT) sang phương thức sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) với biên lợi nhuận tốt hơn (khoảng 10% sau thuế so với gần 3% của phương thức CMT).
Tính đến năm 2013, hàng ODM chỉ mới chiếm khoảng 10% trong doanh thu xuất khẩu của Vinatex. Mục tiêu của tập đoàn là sẽ nâng tỷ lệ này lên là 12-14% trong năm 2014. Để đạt được mục tiêu chuyển dịch mô hình sản xuất, theo một số chuyên gia, Vinatex phải mất ít nhất vài năm. Hiện tại, Tổng công ty Phong Phú đang là DN đi đầu trong hệ thống Vinatex về sản xuất hàng ODM với tỷ lệ chiếm 70% doanh thu xuất khẩu. Tổng công ty Phong Phú được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân trong kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất ODM của tập đoàn trong thời gian tới.
Gần đây, Vinatex đã tăng tỷ lệ nắm giữ tại đơn vị thành viên này từ 48,88% lên 51%. Để đầu tư vào chuỗi sản xuất, công ty cho biết đã được duyệt vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng 100 - 120 triệu USD với thời hạn vay 25 năm. Được biết, lãi suất của khoản vay này có thể chỉ gần 1,7%/năm. Về tài sản, Vinatex hiện đang sở hữu một hệ thống siêu thị mang thương hiệu Vinatex Mart với hơn 58 điểm bán hàng trên cả nước. Hệ thống bán lẻ này nếu được vận hành tốt sẽ là tiền đề để Vinatex khai thác thị trường nội địa nhiều tiềm năng, bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chưa kể, Vinatex hiện đang nằm trong top cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất đối với ngành dệt may, nên việc thu hút lực mua từ các quỹ ngoại là điều có thể dự báo được. Nhìn chung, nếu thanh khoản của cổ phiếu Vinatex trong ngày chào bán được giải quyết hết, lúc đó muốn mua cổ phiếu Vinatex với giá rẻ sẽ khó hơn vì bên mua vào (mới) sẽ chỉ chấp nhận bán ra với giá tốt hơn hiện tại.
Cơ sở tiếp theo là việc Vinatex bây giờ mới chào bán cổ phiếu lần đầu, nên thông tin công bố chưa nhiều. Trong thời gian tới đây thị trường có thể kỳ vọng những thông tin tích cực liên quan đến hoạt động kinh doanh, đến cổ tức và gần nhất là những thông tin trong mùa đại hội cổ đông mới. Những thông tin này sẽ là lực đỡ quan trọng cho Vinatex và có thể thu hút thêm NĐT, hoặc ngược lại...
Bài và ảnh Vũ Hoàng