Nâng cao hiệu quả vốn FDI: Muốn có vũ điệu Tango, đừng quên “nhạc”
Thu hút FDI: Không còn ham số lượng | |
Hà Nội: Phát hiện đầu tư FDI chui, chuyển giá | |
Vốn FDI tháng 1/2019: Tăng có mừng? |
Tốt nhưng chưa toàn diện
Năm 2018, mặc dù lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký chỉ đạt 25,57 tỷ USD, giảm 13,9% so với năm 2017; tuy nhiên lượng vốn giải ngân đạt trên 19 tỷ USD – cao nhất trong 30 năm thu hút FDI vừa qua. Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất và điểm đến quan trọng của FDI.
“Con số 110 tỷ USD vốn FDI mà Việt Nam nhận được trong 10 năm qua có nghĩa tương đương với 50% GDP của Việt Nam hiện nay. Việt Nam đã nhận được nhiều vốn FDI hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực ASEAN, trừ Singapore, trong thập kỷ vừa qua và vốn này chủ yếu vào các hoạt động sản xuất chế biến chế tạo. Vốn FDI liên tục chảy vào mạnh không chỉ giúp tăng năng lực sản xuất của Việt Nam mà còn tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời mang đến các công nghệ mới cũng như khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu quan trọng”, ông Ousmane Dione ghi nhận.
Tác động lan tỏa của khu vực FDI là khá yếu |
Cùng quan điểm trên, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc quốc gia IFC tại Việt Nam cho rằng, thu hút FDI là câu chuyện rất thành công của Việt Nam. “Mức nhân công cạnh tranh, môi trường kinh tế và chính trị ổn định, hệ thống hạ tầng tương đối tốt và vị trí địa lý thuận lợi cùng với khuôn khổ chính sách thương mại và đầu tư năng động, tất cả đã góp phần tạo nên mức tăng trưởng FDI kỷ lục trong các năm qua”, vị này đánh giá.
Tuy nhiên theo các chuyên gia này, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam vẫn còn hạn chế, mới chỉ tập trung ở khâu sản xuất (và chủ yếu ở gia công, lắp ráp), chưa khai thác được nhiều các khâu tiền sản xuất và hậu sản xuất. Đặc biệt, một vấn đề nổi lên là các DN trong nước vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ quá trình thu hút FDI này. Do đó, thành tựu là rất đáng khích lệ, song hướng đến tương lai thì Việt Nam cần tận dụng tốt hơn dòng vốn FDI và thúc đẩy sự liên kết với các DN trong nước để tạo được tác động lan tỏa và nâng cao giá trị gia tăng cho khu vực kinh tế trong nước cần phải là trọng tâm ưu tiên.
Trong thực tế, nhu cầu thúc đẩy mối liên kết với khu vực DN trong nước của các DN FDI không phải không có. Trường hợp Samsung Electronics Việt Nam là một ví dụ. Là DN FDI lớn nhất, đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Samsung cho biết trong thời gian qua đã nỗ lực tìm kiếm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN cung ứng nội địa, kết nối các DN Việt Nam tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Hiện số lượng DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung đạt trên 35 DN (từ chỗ chỉ có 4 DN vào năm 2014), và dự kiến sẽ đạt 50 DN vào năm 2020. Trong Kế hoạch 2019 của Samsung, DN này cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực về điện, điện tử, thiết bị, gia công ngoài cũng như tiếp tục mở rộng mạng lưới các DN cung ứng cấp 2 cho tập đoàn này.
Một trường hợp khác là Nestle Việt Nam, công ty đã có 35 năm hoạt động tại Việt Nam và có được nhiều thành công. Đại diện DN này cho biết, làm sao hỗ trợ hiệu quả và giúp tăng thu nhập cho người nông dân, các cán bộ nhân viên làm việc cho công ty và thúc đẩy hợp tác với các DN đối tác trong nước luôn là trăn trở đặt ra. “Chúng tôi tin rằng không thể chỉ dựa vào tự lực cánh sinh là có thể thành công mà chúng tôi cũng cần các mối quan hệ đối tác. Để làm được điều đó, chúng tôi luôn quan niệm cần tăng cường kết nối với các DN trong nước”, ông Ganesan Ampalavanar - CEO Nestle Việt Nam cho biết.
Môi trường cho liên kết là rất quan trọng
Theo ông Ousmane Dione, một vấn đề nổi lên hiện nay là Việt Nam mới tham gia chủ yếu vào lắp ráp cơ bản, trong khi khâu lắp ráp sản xuất chế tạo thường chỉ chiếm 1/4 trong tổng giá trị của sản phẩm cuối cùng, còn phần lớn giá trị được tạo ra từ các ngành thượng nguồn (như nghiên cứu và phát triển, thiết kế) và các ngành hạ nguồn như tiếp thị, các dịch vụ hỗ trợ. Như vậy, cần có chiến lược để thúc đẩy không chỉ ở khâu hoạt động sản xuất mà còn ở các khâu tiền sản xuất và hậu sản xuất trong chuỗi giá trị. Theo kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, để thực hiện được chiến lược này thì các nhóm công việc chính cần tập trung là: Đầu tư vào nâng cao kỹ năng; đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hậu cần; đầu tư vào các thể chế thị trường.
Song hành với đó là một chiến lược để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh, đi kèm với những bước đi và giải pháp cụ thể để tăng lan tỏa và liên kết giữa FDI và DN trong nước. Ví sự liên kết này như một điệu nhảy Tango, ông Ousmane Dione cho rằng muốn nhảy Tango thì tất yếu phải có hai người. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, yếu tố quan trọng khác là phải có nhạc nền.
Theo đó, việc thu hút FDI quy mô vốn lớn và chất lượng là điều hết sức cần thiết vì sẽ giúp tạo ra những cơ hội thực sự cho các nhà cung cấp nội địa. Bên cạnh đó, cần phải tập trung vào xây dựng năng lực cho các DN trong nước, xây dựng các cơ chế hỗ trợ để giúp các nhà cung cấp trong nước được công nhận là nhà cung cấp đủ điều kiện (cả về chất lượng, khả năng cung cấp và các tiêu chuẩn khác). Yếu tố quan trọng khác là thúc đẩy mối liên kết này, trong đó Chính phủ và các cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, hành lang cho liên kết. Đồng thời trong quá trình ban hành ra các cơ chế, chính sách thì cũng cần thường xuyên đối thoại, lắng nghe các phản hồi chính sách từ các bên để kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Việc có được một mạng lưới nhà cung cấp nội địa mạnh là một tài sản về năng lực cạnh tranh trong công cuộc nâng cao giá trị gia tăng trong nước cũng như giữ chân các nhà đầu tư và thu hút thêm các dòng vốn FDI mới. Xét theo ý nghĩa đó, việc kêu gọi, khuyến khích các DN FDI “mở lòng” trong khi các DN trong nước phải nỗ lực để tham gia vào chuỗi sản xuất dù vẫn cần thiết nhưng đi cùng với đó và quan trọng hơn là đã đến lúc cần tạo lập một sân chơi minh bạch để ở đó, các DN FDI phải đặt hết lên bàn những yêu cầu, tiêu chuẩn mà DN nội địa muốn tham gia phải thỏa mãn, đồng thời phía các DN trong nước cũng cần nêu rõ khả năng đáp ứng đến đâu, cần hỗ trợ gì từ phía Nhà nước. Chỉ khi mọi việc được cụ thể hóa như vậy thì mới mong có được sự liên kết, lan tỏa bền vững.