Thu hút FDI: Không còn ham số lượng
Bộ Chính trị sẽ có một Nghị quyết về FDI | |
8,3 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào khu công nghiệp năm 2018 | |
Đầu tư ra nước ngoài: Tránh chuyện “sai một ly, đi một dặm” |
Quốc tế lạc quan, trong nước thận trọng
Những đánh giá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam liên tiếp được các tổ chức quốc tế phát đi vào những ngày cuối năm 2018, hứa hẹn triển vọng tươi sáng đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới”, Hãng tin Bloomberg đã duy trì nhận định này suốt 3 năm vừa qua khi đánh giá về nền kinh tế Việt Nam. Cùng với sự tăng trưởng và ổn định, chi phí sản xuất giá rẻ đang là những yếu tố tạo nên sức hút rất lớn đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam. Chính vì vậy, hãng này cho rằng trong cuộc đua thu hút các công ty tìm địa chỉ sản xuất thay thế trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang gia tăng, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia khác.
Kể cả trường hợp không có căng thẳng thương mại với Mỹ, Tạp chí Forbes cho rằng, Trung Quốc cũng đang phải cạnh tranh với Việt Nam bởi đây là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào, chi phí rẻ hơn. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều công ty đa quốc gia bởi có nhiều thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa mà không phải chịu thuế.
Cần tập trung thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn |
Hãng kiểm toán PwC cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có năng lực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong năm 2019.
Mặc dù mang nhiều thông điệp hứng khởi, song tất cả những thông tin trên cũng mới chỉ là dự báo. Trong khi đó, nhìn lại diễn biến không mấy êm ả của vốn nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong năm nay, có thể thấy vẫn chưa thực sự có sóng lớn của đầu tư nước ngoài như nhiều ý kiến phỏng đoán.
Câu chuyện vốn nước ngoài rời bỏ Trung Quốc và dịch chuyển sang khu vực ASEAN đã được xới xáo lên từ vài năm trước. Song vấn đề chỉ được hâm nóng hơn bao giờ hết sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ vào tháng 3/2018.
Thế nhưng cũng vào thời điểm này vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã có mức sụt giảm kỷ lục lên tới 25% so với cùng kỳ. Mặc dù ngay sau đó, vốn FDI đăng ký mới, tăng vốn và mua cổ phần bắt đầu cải thiện dần và tăng trưởng dương trở lại từ tháng 6, song diễn biến lạc quan chỉ duy trì được 3 tháng sau đó. Trong 4 tháng cuối năm, vốn đăng ký tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm. Kết thúc năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 1,2% so với năm 2017.
Sự trồi sụt thất thường của vốn ngoại trong năm qua khiến giới chuyên gia và cơ quan quản lý Việt Nam có phần dè dặt hơn khi đánh giá về triển vọng tăng trưởng của FDI, đặc biệt là dòng vốn tháo chạy từ phía Trung Quốc.
Cơ hội song hành thách thức
“Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút FDI từ các quốc gia truyền thống và có quan hệ lâu đời như Hàn Quốc, Nhật Bản, không nhất thiết phải trông chờ vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang”, TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trả lời, nhưng vẫn bỏ ngỏ câu hỏi liệu có sóng lớn của FDI từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam.
Đặt câu hỏi tương tự với TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, ông quả quyết: Cho tới thời điểm hiện tại, dòng chảy FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam hay các quốc gia khác là không rõ ràng và chưa tạo thành một xu hướng cụ thể. Việc đầu tư vào Trung Quốc và bán tại Trung Quốc vẫn mang lại nhiều lợi ích cho các DN FDI nên họ sẽ không dễ dàng dịch chuyển. Bản thân Trung Quốc lại nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, khiến đây là lực cản dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang các nước khác.
Một khía cạnh khác của sự dịch chuyển dòng vốn FDI được ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài lưu ý, khi rủi ro tăng lên thì dường như dòng vốn lại chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Như vậy, vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc hoàn toàn có thể quay đầu trở lại Mỹ, hay bất kỳ quốc gia phát triển nào, làm thay đổi khối lượng FDI với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Chính vì vậy dù đang có thời cơ để Việt Nam thu hút thêm vốn FDI, nhưng thách thức từ bên ngoài cũng đang gia tăng theo xu hướng không có lợi. “Một số tỉnh khi nhận đầu tư Trung Quốc đã rất dè dặt mà lượng vẫn tăng thì đó là động thái phải nghiên cứu”, ông Toàn cảnh báo. Thời gian qua, cơ quan quản lý Việt Nam đã rất thận trọng trong việc kiểm tra nguồn gốc các khoản đầu tư có xuất xứ từ Trung Quốc, song rất khó tránh trường hợp DN Trung Quốc đầu tư sang nước khác, ví dụ Singapore, sau đó đầu tư ngược trở lại Việt Nam. Xu hướng này hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới để lợi dụng sự hứng khởi của Việt Nam trước cơ hội thu hút dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang.
Lịch sử hơn 30 năm thu hút FDI cũng đã cho thấy nhiều bài học quý báu về dòng chảy vốn ngoại trước thềm những biến động lớn trên thế giới, như hội nhập hay chiến tranh thương mại. Theo đó, các nhà đầu tư thường đi trước chứ không theo sau mỗi khi thị trường bước vào một ngưỡng cửa mới. Chẳng hạn để đón đầu CPTPP mà trước đây là TPP, vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2013-2014 tăng trưởng cao và thực chất hơn cả, bởi đây là những nhà đầu tư đã có tính toán làm ăn lâu dài, ổn định để tận dụng cơ hội từ hội nhập. Còn khi đã thực thi FTA, các nhà đầu tư mới vào là chậm chân. Vì vậy nếu FDI tăng lên trong thời gian tới, có thể sẽ phải đánh đổi với sự sụt giảm thời gian sau, đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý cần chuẩn bị tinh thần cũng như chính sách điều chỉnh.
Diễn biến thương mại trong năm 2018 cho thấy, trong giai đoạn đầu khi các luồng thương mại chuyển hướng thì Việt Nam dường như có lợi chứ không thiệt. Nhưng khi tác động của chiến tranh thương mại ngấm dần, sẽ lan sang khu vực sản xuất mà ở đó đòi hỏi các đầu mối về chuỗi cung ứng thay đổi, khi đó Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nhiều hơn. Ví dụ trước đây doanh nghiệp xuất khẩu có thể nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc với giá rẻ hơn, song khi phải chuyển hướng sang các nước khác thì chi phí đầu vào tăng lên. Đó là rủi ro mang tính dài hạn, song cũng tiếp tục cảnh báo việc thu hút FDI cần chuyển từ số lượng sang chất lượng. Thay vì chờ sóng lớn, cần khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các DN trong và nước ngoài, ưu tiên đầu tư vào công nghệ, nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.