Nâng “chất” nhân lực bằng gắn kết
Chú trọng đến chất lượng nhân lực ngân hàng | |
Khát nhân lực ngân hàng |
Đổi mới NH: Hãy bắt đầu từ nhân lực
Lâu nay, khi nói đến cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ở lĩnh vực NH, người ta thường đề cập nhiều tới tiềm lực về vốn, công nghệ, dịch vụ tiện ích… Tuy nhiên, mới đây khá nhiều chuyên gia nhìn nhận, bên cạnh nguồn vốn, thì nhân lực cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng.
Ths. Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược NH (NHNN) cho rằng, khả năng lớn mạnh và cạnh tranh của một NHTM phụ thuộc vào 3 yếu tố trụ cột là vốn, công nghệ sản phẩm và chất lượng nguồn nhân lực.
Còn theo bà Nguyễn Thùy Dương - Phó tổng giám đốc Phụ trách dịch vụ tài chính NH, Công ty Ernst & Young (EY) Việt Nam, nguồn nhân lực, đặt trong bối cảnh hội nhập, là một yếu tố mang tính chất quyết định, ảnh hưởng đến sự thành công của các NH.
“Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ thể hiện ở việc được đào tạo bài bản với các kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực NH, mà đặc biệt hơn là ở khả năng giải quyết vấn đề và tầm nhìn của các nhà quản trị NH” – bà Dương nhận định.
Chương trình đào tạo ngành Tài chính-NH cần được bổ sung thêm những nội dung rèn luyện về tính chuyên nghiệp, văn hóa kinh doanh… |
Kinh nghiệm một số quốc gia cũng cho thấy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ các nước sẽ bị hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Theo nhóm nghiên cứu Ths. Nguyễn Việt Quốc, Ths. Tưởng Thị Hoàng Nga - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng, vào những năm 90, tại Hàn Quốc ngoài nguồn nhân lực để thực hiện nghiệp vụ giao dịch ngoại hối, các NH trong nước của Hàn Quốc không đảm bảo được nguồn nhân lực để thực hiện các công việc chuyên môn như nghiệp vụ thu hút vốn đầu tư tại nước ngoài, quản lý rủi ro, phát triển sản phẩm mới…
Theo các chuyên gia NH, nếu không có sự chuẩn bị, cũng như chính sách đào tạo phù hợp thì ngành NH có thể dẫn tới việc thiếu nhân lực trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh hội nhập, nhưng lại thừa những nhân lực có chuyên môn trung bình và thấp.
Một lãnh đạo NHTM cho biết, hầu hết các nhân viên sau khi trúng tuyển đều phải tiếp tục được NH bồi dưỡng thêm nghiệp vụ và đó là lý do hầu như NH nào cũng có trung tâm đào tạo riêng.
Sau khi thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, nhân lực NH có sự dư thừa, nhưng khi NH hội nhập quốc tế sâu rộng hơn đã đặt ra những yêu cầu mới đối với sự phát triển của hệ thống NH Việt Nam theo hướng hiệu quả, minh bạch và bền vững. Và muốn thực hiện được điều đó, hệ thống NH Việt Nam cần được đổi mới một cách toàn diện và triệt để, từ mô hình tổ chức đến cơ chế hoạt động, quản trị điều hành và quản lý giám sát, trong đó trước hết phải đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cần liên tục cải tiến phương pháp đào tạo
Nghiên cứu của PGS.TS. Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng Viện Tài chính NH (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho thấy, những thành tựu trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng xu thế phát triển của ngành NH đã phù hợp hơn với xu hướng phát triển của thị trường tài chính quốc tế và định hướng phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.
Trình độ ngoại ngữ, tin học và các nghiệp vụ NH mới được cải thiện rõ ràng đối với cán bộ NH. Một số cơ sở đào tạo chuyên ngành NH tại Việt Nam đã quan tâm tới đổi mới chương trình đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực hành; gắn lý luận với thực tế. Sự phát triển khá bài bản trung tâm đào tạo của các NH đã góp phần đáng kể cho kết quả này.
Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các chuyên gia NH cho rằng, chương trình đào tạo ngành Tài chính – NH cần được bổ sung thêm những nội dung rèn luyện về tính chuyên nghiệp, văn hóa kinh doanh, các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật và các quy định của Ngành đặc thù.
“Có thể nói rằng đây là điều mà các chương trình đào tạo ngành Tài chính – NH của hầu hết các trường đại học và cao đẳng Việt Nam còn thiếu hoặc chưa chú trọng.” – một chuyên gia NH nhấn mạnh.
Kết quả là một bộ phận cán bộ ra trường làm việc chưa chuyên nghiệp bài bản, chưa có tác phong chuyên nghiệp văn hóa kinh doanh, thiếu ý thức tuân thủ dẫn đến những rủi ro tác nghiệp. Nghiêm trọng hơn, nhiều vụ việcvi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật, gây mất lòng tin của khách hàng.
Ngoài ra, đào tạo ngành Tài chính – NH cần được cải tiến theo hướng tăng cường các công cụ phân tích, xử lý dữ liệu và các phương pháp nghiên cứu định lượng. Cùng với đó, chương trình đào tạo cần được bố trí hài hòa giữa kiến thức và kỹ năng ngành Tài chính – NH với các kỹ năng mềm như kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết phục và gây ảnh hưởng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm chủ cảm xúc, kỹ năng vượt qua khó khăn và áp lực, kỹ năng thích nghi với sự thay đổi…
Bởi các kỹ năng này cũng góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của không chỉ chuyên viên tài chính NH, mà còn tạo nên sự thành công của cả hệ thống.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Tài chính NH, trong giai đoạn 2000-2014, tốc độ phát triển nguồn nhân lực ngành NH khá cao, từ 20 - 50%, thậm chí có NH lên tới trên 100%. Theo thống kê của NHNN, quy mô nhân lực ngành NH đã tăng lên nhanh chóng, từ 67.558 người năm 2000 lên 180.000 người năm 2012 và trên 196.000 người tính đến tháng 9/2015. Trong đó, nhân sự làm việc trong hệ thống NHNN là hơn 6.000 người, số còn lại làm việc trong các NHTM và các TCTD khác. |