Chú trọng đến chất lượng nhân lực ngân hàng
Ông Phạm Duy Hiếu |
Sau khi mở rộng về quy mô nhân sự, gần đây, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều ngân hàng cắt giảm mạnh nhân sự. Ông đánh giá gì về vấn đề này?
Hầu hết các ngân hàng trong thời gian vừa qua đều định hướng dịch vụ bán lẻ sẽ là thị trường chủ chốt trong hoạt động kinh doanh của mình. Và muốn đẩy mạnh bán lẻ thì các ngân hàng cần phải tăng trưởng về quy mô để có thể tiếp cận nhiều hơn với khách hàng. Chính yêu cầu tăng về quy mô, mạng lưới giao dịch đã dẫn đến việc các ngân hàng có nhu cầu lớn về nhân sự.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cộng với làn sóng tái cấu trúc đòi hỏi các ngân hàng cân nhắc cẩn trọng kế hoạch hoạt động, tập trung cho phát triển theo chiều sâu, chú trọng về chất lượng hơn là số lượng. Điều này cũng ít nhiều tác động tới cơ cấu nhân sự tại các đơn vị.
Việc tinh giản nhân sự của ngân hàng nên được hiểu theo hướng sắp xếp lại nhân sự một cách hiệu quả, khoa học chứ không phải là cắt giảm ồ ạt, thiếu chọn lọc. Mục tiêu của việc cắt giảm nhân sự chính là nhằm gia tăng nhân sự giỏi và giảm số lượng nhân sự không đáp ứng được yêu cầu.
Nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng sẽ chú trọng nhiều hơn đến chất lượng
thay cho số lượng
Chính vì thế, xu thế các ngân hàng thực hiện cắt giảm, tinh lọc những nhân sự không đáp ứng và thích nghi được với công việc sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng dịch vụ, cũng như tính cạnh tranh trên thị trường, để đảm bảo các ngân hàng hoạt động hiệu quả thì yêu cầu về chuẩn mực nhân sự cũng không ngừng tăng lên.
Xây dựng đội ngũ nhân sự vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh, đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng nhân sự là việc làm cần thiết của mỗi tổ chức tín dụng. Do đó, đội ngũ nhân sự sẽ được tham gia các chương trình chiến lược về huấn luyện và đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm đào tạo nội bộ và thuê ngoài.
Hiện nay, có nhiều sinh viên được đào tạo về tài chính - ngân hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Theo ông, lý do là gì?
Qua quá trình phỏng vấn tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy đa số các sinh viên mới ra trường, kể cả những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng chưa được trang bị các kỹ năng làm việc thực tế, khả năng giải quyết vấn đề và ứng dụng kiến thức trong công việc chưa tốt.
Không ít các sinh viên còn chưa định hướng được mục tiêu nghề nghiệp của mình sau khi ra trường sẽ làm gì, khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn vẫn còn khá mơ hồ về công việc mà ngân hàng đang tuyển dụng. Bên cạnh đó, một số bạn sinh viên còn chưa xác định được khả năng thích ứng với vị trí công việc đang ứng tuyển, do đó thiếu sự chuẩn bị và tìm hiểu đầy đủ để sẵn sàng làm việc.
Việc đào tạo sau đại học về kỹ năng hiện nay của các trung tâm đã đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng? Dự cảm của ông về nguồn nhân lực ngân hàng trong tương lai?
Tại ABBANK, chúng tôi đánh giá cao các ứng viên có nền tảng kiến thức chắc chắn và có năng lực ứng dụng kiến thức vào công việc thực tế. Vì công việc ở ngân hàng vốn dĩ đòi hỏi tính thực tế cao, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần được trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng xã hội để có thể hòa nhập ngay vào môi trường làm việc nơi được tuyển dụng.
Việc đào tạo sau đại học theo tôi là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình đào tạo kỹ năng thực tế cần bắt đầu ngay từ trong trường đại học để sinh viên được chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng cho quá trình tìm kiếm việc làm và bắt đầu công việc.
Xu thế phát triển nóng các năm trước đây trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các ngân hàng đều ồ ạt tuyển dụng nhân sự để đáp ứng yêu cầu mở rộng kinh doanh, dẫn đến nguồn cung không đủ cầu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng sẽ chú trọng nhiều hơn đến chất lượng thay cho số lượng và tất nhiên những ai không đủ phẩm chất sẽ bị đào thải.
Vì vậy, quá trình tuyển dụng và đào tạo sẽ được nâng lên một tầm cao mới, đóng góp vào sự phát triển của ngành Ngân hàng trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Hà thực hiện