Ngân hàng đầu tư sâu vào dịch vụ
Khó có thể xác định được thời gian qua NHTMCP nào đang kinh doanh mảng dịch vụ thành công nhất. Bởi mỗi ngân hàng khi báo cáo tài chính đều đưa ra những con số gộp và người am hiểu về tài chính mới thấu đáo. Ngoài ra, mỗi một ngân hàng đều có thế mạnh riêng cũng như cách thức khai thác khách hàng để phục vụ nhu cầu sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm đáng ghi nhận ở thời điểm này là mức tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ diễn ra ở tất cả các ngân hàng, chỉ có khác là mức độ. Theo đó, có những ngân hàng nguồn thu từ dịch vụ tăng cao như Vietcombank, Sacombank, ACB, BIDV, Techcombank…; nhưng cũng có ngân hàng nguồn thu này tăng thấp hơn.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia nguồn thu từ dịch cụ là một nguồn thu bền vững, nhất là trong bối cảnh tín dụng đang được kiểm soát chặt chẽ cả về tốc độ và chất lượng. Hơn thế, việc đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ cũng giúp giảm thiểu mức độ rủi ro của ngân hàng.
Cũng chính bởi vậy, không phải bây giờ các ngân hàng mới đẩy mạnh mảng dịch vụ mà từ những năm trước đây, phần lớn các ngân hàng đều phát đi thông điệp cho rằng sẽ điều chỉnh hoạt động kinh doanh, chuyển hướng tăng thu từ dịch vụ thay vì lệ thuộc vào tín dụng. Thế nhưng, thời gian qua, không có nhiều ngân hàng đạt kết quả bứt phá mà vẫn chậm chạp nghiên cứu thị trường song song với các sản phẩm tài chính truyền thống. Thậm chí, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn chủ yếu là “độc canh” tín dụng. Dù vạch ra nhiều kế hoạch phát triển hiện đại, nhưng phần lớn ngân hàng vẫn chỉ tập trung phát triển các nghiệp vụ tín dụng truyền thống.
Nguyên nhân một phần cũng bởi mức sống và nhận thức về sứ dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại của người dân chưa cao. Tuy nhiên, hiện mức sống của người dân đã được nâng cao hơn rất nhiều, kéo theo đó nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng tăng cao. Đây là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh phát triển dịch vụ.
Với các ngân hàng lớn như Vietcombank, lẽ đương nhiên việc đẩy mạnh dịch vụ đã nằm trong mục tiêu của ngân hàng này từ lâu. Nhờ thế, cộng thêm lợi thế về thương hiệu, nên thu từ dịch vụ của Vietcombank nên duy trì được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Đơn cử 9 tháng đầu năm, thu từ dịch vụ của Vietcombank tăng đến 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số đó dường như vẫn chưa thỏa mãn và ngân hàng có chiến lược thực hiện chi trả số tiền gấp đôi, gấp ba lần để nâng cấp các hệ thống CNTT hỗ trợ dịch vụ, phát triển thêm một số ứng dụng mới tiện ích cho khách hàng, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng giao dịch để tăng trưởng doanh thu. Không chỉ vậy, lãnh đạo của ngân hàng này còn đặc biệt cho biết dịch vụ liên kết bảo hiểm của ngân hàng rất được chú trọng ở những năm tiếp theo.
Techcombank cũng không ngoại lệ khi ban lãnh đạo khẳng định tới đây, định hướng của ngân hàng là tiếp tục đa dạng nguồn thu nhằm phân tán rủi ro. Từ đó, không quá phụ thuộc vào thu nhập lãi hay phí, mặc dù trong các nguồn thu ngoài lãi, hoa hồng bảo hiểm đang là công cụ hữu ích giúp ngân hàng thu về khoản tiền lớn. Hay như LienVietPostBank, đại diện ngân hàng này cho biết ban lãnh đạo đã thống nhất rút ngắn thời gian dịch chuyển cơ cấu hoạt động sang mảng trọng yếu là dịch vụ. Trong đó, ngân hàng chọn cách tăng tỷ lệ bán lẻ từ dân cư…
Đối với TPBank, dù góp mặt trên thị trường muộn hơn khá nhiều ngân hàng khác, nhưng vì sớm xác định mục tiêu hướng tới nguồn thu dịch vụ nên thời điểm này, thu nhập từ mảng dịch vụ của ngân hàng luôn khả quan. Tuy nhiên, TPBank có tham vọng đưa tốc độ tăng trưởng nguồn thu dịch vụ lên 2 con số trong thời gian ngắn nhất nên rất nỗ lực đầu tư công nghệ. Theo đó, TPBank chỉ trong thời gian ngắn triển khai rất nhiều ứng dụng tài chính thông minh, thu hút khách hàng mới - cũ tham gia sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, TPBank còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào lĩnh vực dịch vụ thanh toán cũng như bán chéo sản phẩm bảo hiểm trong tương lai.
Một trường hợp khác là Nam A Bank. Theo chia sẻ của một đại diện ngân hàng này, hiện nguồn thu từ dịch vụ có tăng so với cùng kỳ, nhưng đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận chung của ngân hàng chưa nhiều. Trong khi đó, mục tiêu của ngân hàng là thu từ dịch vụ tăng 35-40% mỗi năm. Do vậy, hiện ngân hàng đang áp dụng nhiều phương thức mới như bán chéo sản phẩm, cung cấp những gói sản phẩm tài chính toàn diện và ưu việt, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng cũng như tăng nguồn thu mới.
Theo một lãnh đạo của VietBank, thời gian qua ngân hàng đã âm thầm đổ hàng trăm triệu USD thay đổi hệ thống công nghệ mới, đào tạo nhân sự, nghiên cứu phát triển ngân hàng theo hướng bán lẻ dịch vụ hiện đại. Theo đó, họ đã chuẩn bị sẵn sàng để “lột xác”, hướng tới ngân hàng bán lẻ hiện đại nhất ngay khi bước sang năm 2019…
Thậm chí, một số ngân hàng trước nay vẫn đầu tư cho dịch vụ theo kiểu “cho hợp xu hướng”, thì nay cũng đã bắt đầu tăng tốc để không bị thụt lại phía sau. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chuyện cơ cấu nguồn thu chuyển từ tín dụng sang dịch vụ giúp ngân hàng phân tán rủi ro từ hoạt động cho vay. Các ngân hàng không chỉ tăng trưởng bền vững, mà còn có thể đẩy mạnh hơn nữa mảng bán lẻ, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ lên tầm cao mới…