Dịch vụ ngân hàng: Muốn tăng trưởng phải có nền tảng công nghệ
Doanh nghiệp Việt sẵn sàng đầu tư chuyển đổi sang kỷ nguyên số | |
Ứng dụng công nghệ số để tăng tốc | |
Tài chính tiêu dùng bắt nhịp CMCN 4.0 |
Đẩy mạnh ngân hàng điện tử
Trong giai đoạn trước thềm cuộc CMCN 4.0, ngành Ngân hàng đã dần chứng kiến nhiều chỉ báo cho cú đột phá công nghệ này, với sự chuyển dịch từ mô hình ngân hàng truyền thống phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh sang mô hình tích hợp dịch vụ ngân hàng điện tử (e-banking). Theo đó, số lượng người sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến qua máy tính, điện thoại thông minh tại Việt Nam gia tăng chóng mặt theo thời gian. Xu hướng mua sắm trực tuyến cũng ngày càng phổ biến. Hệ quả của những xu thế này là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng.
Trước đây, với vai trò trung gian trong các hoạt động tài chính, ngân hàng thường giữ phần ưu thế khi thiết lập quan hệ với khách hàng. Bởi vậy mà những sản phẩm, quy trình được xây dựng với mục đích tuân thủ quy định pháp lý và giảm thiểu rủi ro tối đa cho ngân hàng, trong khi khách hàng buộc phải hoàn thành các thủ tục phức tạp và đáp ứng yêu cầu khắt khe để sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank: “Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã hoàn toàn lật ngược tình thế, trao quyền cho khách hàng với khả năng tìm kiếm, tiếp cận thông tin, phá bỏ rào cản địa lý để lựa chọn dịch vụ phù hợp nhất”.
Khách hàng dần trở thành trung tâm, là cơ sở để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, phương thức bán và tiếp cận của ngân hàng. Yêu cầu của khách hàng về tốc độ và sự tiện lợi trong dịch vụ ngân hàng ngày càng cao, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng thích ứng, cải cách không chỉ sản phẩm, dịch vụ mà cả kênh tiếp cận, quy trình, hạ tầng và nhân sự.
Kết quả của khảo sát “Dịch vụ ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của IDG Vietnam năm 2017 cũng cho thấy, các giải pháp về e-banking đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% trong năm 2015.
E-banking đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng gần như ngay lập tức, từ việc thanh toán các hóa đơn điện/nước/điện thoại… hàng tháng tới việc mua sắm hàng hóa qua các cổng thanh toán điện tử, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn…Với chỉ một chiếc điện thoại thông minh, hay một máy tính kết nối internet, nhu cầu của được đáp ứng chỉ sau vài cú nhấp chuột.
Có thể nhắc qua một vài ví dụ như ứng dụng ngân hàng điện tử My Ebank của Sacombank bổ sung nhiều tính năng, tiện ích mới như chuyển tiền đến thẻ Visa, chuyển tiền - nhận bằng di động, nạp tiền điện thoại hoặc thẻ trả trước... Với tính năng chuyển tiền đến thẻ Visa, người dùng không cần nhớ tên ngân hàng nhận, không cần tên người nhận, chỉ cần có số thẻ là có thể chuyển tiền. Hay như VietinBank với dịch vụ internet banking dành cho khách hàng DN – VietinBank eFAST – tích hợp nhiều tiện ích, cung cấp dịch vụ đặc thù cho khách hành DN theo tiêu chuẩn quốc tế: quản lý tài khoản chuyên thu, kết nối trực tiếp host to host, we transfer (gửi chứng từ qua VietinBank eFAST)…
Không chỉ cung cấp những dịch vụ chuyển tiền, hỗ trợ thanh toán cho người dùng qua internet hay Mobile Banking, các ngân hàng cũng thay đổi tư duy khi đẩy mạnh khái niệm “chi nhánh ngân hàng điện tử” và phát triển kênh Live Chat (tư vấn trực tuyến) nhằm hỗ trợ cho khách hàng (như VietinBank, VCB, TPBank, VIB…).
“Điểm lợi của hệ thống tương tác trực tuyến này là có thể mang thông tin đến cho nhiều người cùng lúc hơn, ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào và phụ thuộc vào người tiêu dùng. Bằng cách này, ngân hàng cũng có thể tiết kiệm chi phí tư vấn hơn là những hệ thống tương tác hỏi đáp những câu đơn giản và đơn lẻ thông qua tư vấn viên tại tổng đài, quầy giao dịch hay trên trình duyệt của website”, ThS. Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho hay.
Công nghệ là đòn bẩy
Trên nền tảng công nghệ 4.0 cùng với việc tận dụng kinh tế quy mô, kinh tế chia sẻ, việc triển khai ứng dụng công nghệ số kỹ thuật cao liên quan đến kết nối internet, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, thực tế ảo… sẽ giúp giảm thiểu chi phí giao dịch, vận chuyển, quản lý, góp phần tiết kiệm về mặt tài chính cho các ngân hàng Việt Nam và nâng cao lợi nhuận, đảm bảo tính sẵn sàng cao cho hệ thống trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng.
“Khi sự minh bạch ngày càng rõ hơn, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính hàng đầu trong và ngoài nước. Từ đó giúp các ngân hàng trong nước nâng mình lên một tầm cao mới, phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và thế giới”, một chuyên gia cho biết.
ThS. Phạm Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT Vietcombank cũng chia sẻ, các dịch vụ ngân hàng hiện nay được tiếp cận theo cách một sản phẩm phù hợp với mọi đối tượng, các dịch vụ và sản phẩm mang tính tương đồng về cho vay, huy động, thanh toán và dịch vụ tài chính khác. Nhưng với những thành tựu của CMCN 4.0, các dịch vụ ngân hàng sẽ được “may đo” phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Điều này được thực hiện thông qua việc phân tích dữ liệu lớn (big data) một cách thông minh, phù hợp hơn bởi các ngân hàng.
“Khách hàng mong muốn một sản phẩm, dịch vụ nào đó và đưa thông tin trên mạng xã hội hoặc thông qua việc tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ đó. Ngay lập tức hệ thống của ngân hàng gửi cho khách hàng thông tin về tài khoản của khách hàng, nơi bán và giá vé đề xuất khách hàng mua hoặc đề nghị khách hàng một khoản vay cho dịch vụ, sản phẩm khách hàng mong muốn thông qua ứng dụng của ngân hàng cài đặt trên điện thoại thông minh”, vị này nêu ví dụ.
Thêm nữa, theo chuyên gia, để dễ dàng trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu, mong muốn của khách hàng, bên cạnh việc hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, ngân hàng cũng cần mở rộng khả năng tích hợp, kết nối khi có đối tác, ứng dụng, dịch vụ mới. Mở rộng khả năng cung cấp, bán chéo sản phẩm cho các đối tác, xây dựng hệ sinh thái bao gồm một chuỗi cung ứng với khách hàng là trung tâm. Bởi thế, ngân hàng cần xây dựng, đưa ra một giao diện lập trình chung (API) để tích hợp, kết nối với bên thứ ba.
Mỗi ngân hàng đều có hệ thống thông tin, ứng dụng riêng, được phát triển bởi các lập trình viên và qua nhiều thế hệ khác nhau. Ứng dụng của ngân hàng phải được xây dựng theo định hướng cung cấp, sử dụng API. “Các hệ thống được thiết kế lại để các API có thể đưa ra dữ liệu một cách đồng nhất, đối tác ngân hàng có thể sử dụng các API đó để truy cập dữ liệu và giúp khách hàng sử dụng dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện hơn”, chuyên gia cho hay.