Chính sách nhân văn từ tín dụng cho người hoàn lương
Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Phú Nguyễn Thanh Phương, cho biết: Sau khi Quyết định 22 được ban hành, UBND huyện Đồng Phú đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện quán triệt nội dung về tín dụng ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù để UBND xã và Công an các xã, thị trấn nắm bắt, chủ động rà soát trường hợp đủ điều kiện vay vốn theo yêu cầu. Đồng thời, chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tích cực viết tin, bài tuyên truyền về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù tuyên truyền trên sóng phát thanh, trang thông tin điện tử của huyện, tỉnh, … Công an huyện chỉ đạo Công an các xã, thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến các ấp, khu phố, … Ngân hàng CSXH huyện tập huấn cho lãnh đạo UBND xã, Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng các ấp, khu phố, hội đoàn thể nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV trên địa bàn 11 xã, thị trấn. Đồng thời, triển khai rộng rãi nội dung Quyết định 22 đến người dân để những gia đình có đối tượng được thụ hưởng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn liên hệ với chính quyền địa phương và Công an cấp xã xác nhận làm căn cứ để tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Tổ TK&VV bình xét cho vay vốn tín dụng ưu đãi.
Trung tá Tống Thanh Danh, Đội trưởng Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp huyện Đồng Phú, cho biết: Những người được vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không vi phạm các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Phương thức cho vay thông qua hộ gia đình; đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng CSXH.
Cán bộ Ngân hàng CSXH và Công an huyện Đồng Phú kiểm tra việc sử dụng vốn vay theo Quyết định 22 |
Qua rà soát, đến ngày 31/8/2024, huyện Đồng Phú có 80 người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Căn cứ vào danh sách công an cung cấp, Ngân hàng CSXH huyện đã đề nghị tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã phối hợp với Trưởng các ấp, khu phố và Tổ TK&VV thực hiện thẩm định, bình xét cho vay. Đến ngày 31/8/2024 đã có 17 khách hàng được vay vốn với dư nợ 1,4 tỷ đồng.
Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú đã giải ngân cho 17 trường hợp theo Quyết định 22 |
Tân Tiến là đơn vị thực hiện tốt công tác rà soát và lập hồ sơ các trường hợp đủ điều kiện. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Nhận thấy chính sách nhân văn này, UBND xã Tân Tiến đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan, khẩn trương rà soát nhu cầu, điều kiện vay vốn của 18 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn xã. Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho 5 trường hợp vay 250 triệu đồng và hiện xã đang hướng dẫn 6 trường hợp lập hồ sơ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Anh Lê Công Phương (SN 1997), ngụ ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến vừa chấp hành xong án phạt tù được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Phú cho vay 50 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế. Để giúp anh nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn, cán bộ Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với Công an xã, chính quyền địa phương trực tiếp đến nhà, tìm hiểu nhu cầu sản xuất và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Có vốn, anh đầu tư cải tạo đất, trồng điều và kinh doanh buôn bán cây cảnh, chậu hoa, anh còn được ba mẹ đầu tư xe cẩu để vận chuyển cho khách hàng. Qua đó đã tạo thu nhập hơn 400 triệu đồng mỗi năm, giúp anh xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng.
Đếp ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước thăm mô hình kinh tế của anh Trần Thanh Phong (SN 1990). Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh gặp rất nhiều khó khăn. Anh suy nghĩ rất nhiều về hành động bồng bột của tuổi trẻ. Do ăn chơi, đua đòi, chỉ sau một lần thử cảm giác lạ, anh đã nghiện ma túy, … Rồi anh phải trả giá hơn 6 năm tù về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy. Để rồi giờ nghĩ lại thấy đau xót, thương cho ba mẹ phải chịu nhiều điều tiếng, bản thân chịu định kiến xã hội, … Không còn con đường nào khác, anh quyết tâm làm lại cuộc đời, tích cực làm thuê, như: Phụ hồ, hàn xì, xạc cỏ, bón phân, … Khi biết được chính sách nhân văn này, anh bàn với gia đình vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú, anh đầu tư 65 triệu đồng cải tạo đất trồng 1,5 ha cao su, mua 1 chiếc xe ba gác 38 triệu đồng để chở hàng thuê. Thấy con chăm chỉ làm ăn, mẹ anh đã giao quán nước, bida của gia đình cho anh quản lý. Hàng ngày, anh nhận chở hàng thuê cho khách, cùng em gái quản lý quán nước, bi da. Tranh thủ cao su còn nhỏ, anh trồng xen cây ngắn ngày, như: Bắp, đậu, … để lấy ngắn nuôi dài. Anh cho biết: “Lúc đầu chở hàng thuê, nhiều người còn e ngại. Sau một thời gian, thấy tôi nhiệt tình, chịu khó làm ăn nên họ thường xuyên nhờ tôi chở hàng. Đến nay, thu nhập từ chở hàng khoảng 10 triệu đồng/tháng, cuộc sống đã ổn định”. Anh Phong còn cho biết: “Từ chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước đã giúp tôi có thêm động lực, tự tin phấn đấu vươn lên. Tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều”.
Anh Trần Thanh Phong (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với đoàn kiểm tra |
Chúng tôi đến ấp Bàu Le, xã Tân Hòa để gặp anh Triệu Văn Phú (SN 1995), người dân tộc Tày. Sau gần 2,5 năm cải tạo, anh trở về địa phương. Với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh đã tích cực làm thuê, làm mướn, … để có thu nhập. Được ba mẹ giao chăm sóc gần 3,5 ha, trong đó 2 ha cao su đang thu hoạch, 1 ha cao su non và 5 sào điều. Từ khi xây dựng gia đình rồi sinh con nên kinh tế khó khăn, không có điều kiên chăm sóc vườn cây. Được Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú cho vay 100 triệu đồng, anh đầu tư chăm sóc cao su, điều, nuôi gà, vịt, … Đến nay, thu nhập đạt khoảng 250 triệu đồng mỗi năm. Anh cho biết: “Khi được ngân hàng cho vay vốn, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn, sử dụng vốn vay hiệu quả để nâng cao thu nhập, làm giàu cho gia đình”.
Anh Triệu Văn Phú thu hoạch mủ cao su của gia đình |
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Đồng Phú Tăng Văn Trung, cho biết: Sau khi cho vay vốn, Ngân hàng CSXH và tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Năm 2024. Ngân hàng CSXH huyện đã kiểm tra, giám sát tại các xã, thị trấn. Kết quả cho thấy, các trường hợp đều sử dụng vốn vay vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập; vốn vay được sử dụng đúng mục đích, chấp hành việc nộp lãi và gửi tiền tiết kiệm theo quy định.
Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Phú Nguyễn Thanh Phương, cho biết thêm: Đây là chính sách quan trọng mang ý nghĩa nhân văn, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tìm kiếm việc làm ổn định, tái hòa nhập cộng đồng. Thông qua nguồn vốn này, không chỉ tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng hoàn lương, hòa nhập với cộng đồng, mà còn giảm nguy cơ tái phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thời gian tới, UBND huyện Đồng Phú tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với Công an huyện, tổ chức chính trị xã hội, các xã, thị trấn, chính quyền địa phương triển khai tốt chương trình, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn này. Bên cạnh đó, huyện sẽ lựa chọn và nhân rộng các giải pháp, mô hình tiên tiến và cách làm hay hiệu quả từ cơ sở nhằm mở ra cơ hội mới cho người hoàn lương được tiếp cận tín dụng chính sách xã hội để Quyết định 22 của Chính phủ đi vào cuộc sống, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân.