Ngân hàng đầu tư vì sự an toàn thanh toán
Ngân hàng tăng cường công tác an ninh, bảo mật | |
NHNN yêu cầu tăng cường phòng chống rủi ro trong thanh toán | |
Cả ngân hàng và khách hàng đều cần giữ an toàn bảo mật |
Một vài vụ việc liên quan tới mất tiền từ tài khoản của khách hàng mở tại ngân hàng mà cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân được xem là sự hy hữu trong hoạt động NH của Việt Nam. Thực tế ở các nước tiên tiến trên thế giới dù trình độ cao hơn chúng ta trong hoạt động NH cũng từng xảy ra những vụ việc tương tự, thậm chí còn lớn hơn.
Chắc hẳn nhiều người đã nghe nói đến sự cố xảy ra với Ngân hàng Trung ương Bangladesh vào hồi đầu năm 2016. Các hacker đã ra lệnh đánh cắp 951 triệu USD từ ngân hàng này thông qua mạng SWIFT. 101 triệu USD (5 giao dịch) từ tài khoản của Ngân hàng Bangladesh tại Cục Dự trữ Liên bang New York đã bị lấy cắp thành công. Người ta tìm được dấu vết của 20 triệu USD tại Sri Lanka, 81 triệu USD ở Philippines. Số tiền còn lại 850 triệu USD đã tạm thời bị phong tỏa.
Khách hàng cũng cần tuân thủ các thao tác về an toàn bảo mật trong giao dịch với NH |
Hackers đã cài đặt malware lên hệ thống của Ngân hàng Bangladesh, cho phép chúng theo dõi cách các nhân viên ngân hàng tiến hành chuyển khoản và đồng thời truy cập các thông số của ngân hàng dành cho hoạt động chuyển khoản. 20 triệu USD từ Sri Lanka đã được thu hồi, nhưng hầu như toàn bộ số tiền 81 triệu USD đã bị rút và rửa tiền tại các casino.
Nhắc lại dẫn chứng trên để thấy rằng, hiện nay hệ thống NH toàn cầu đang phải đối mặt với loại tội phạm công nghệ cao do đó các NH phải đẩy mạnh việc phòng chống đảm bảo sự an toàn trong hoạt động.
Trong bối cảnh hội nhập thì hệ thống NH Việt Nam đang nỗ lực vươn lên dành sự đầu tư cả về nguồn vốn, nhân lực và hệ thống công nghệ, an ninh bảo mật để hạn chế thấp nhất những rủi ro trong giao dịch, thanh toán.
Đến nay có thể thấy hầu hết các NHTM của Việt Nam đã đầu tư hệ thống ngân hàng lõi (Corebanking), một số NH đang chuẩn bị nâng cấp hệ thống này. Các NH luôn xác định CNTT đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi công nghệ là tiền đề cho việc ứng dụng sản phẩm, dịch vụ, cũng như an toàn thông tin NH.
Theo ông Bùi Quang Tiên – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ cho thanh toán, nhất là thanh toán điện tử tiếp tục được hệ thống NH đầu tư, nâng cấp. Công tác đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán được coi trọng và tăng cường, phục vụ tốt nhất cho việc cung ứng và ứng dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán mới (trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt), hiện đại và phục vụ thương mại điện tử phát triển.
Hệ thống thanh toán điện tử liên NH (IBPS) của NHNN được quản lý vận hành trôi chảy, an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu giao dịch thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế; số lượng giá trị giao dịch thanh toán tiếp tục tăng lên. IBPS được coi là hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, qua đó tạo ra bước phát triển đột phá về nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho thanh toán.
Về phía các NHTM cũng tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư, cập nhật và phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, hệ thống NH lõi với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, quản lý tập trung, cho phép các NHTM cung cấp các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc. Qua đó tiết giảm thời gian và chi phí giao dịch cho người dân, doanh nghiệp và nhận được những phản hồi tích cực của khách hàng về hệ thống nói chung và chất lượng, tiện ích sản phẩm, dịch vụ NH.
Một số NHTM đã chủ động trong việc đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ mới, hiện đại như xác thực vân tay, sử dụng QR code… mang lại tiện lợi và an toàn hơn trong giao dịch than toán điện tử.
Ông Trần Minh Bình – Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, hàng năm NH đầu tư khoảng từ 15-20% trong tổng vốn đầu tư CNTT để đầu tư về giải pháp an toàn thông tin. Bước tiến lớn nhất trong công tác hiện đại hóa hạ tầng công nghệ của VietinBank là triển khai thành công kiến trúc hướng dịch vụ, làm thay đổi căn bản kiến trúc ứng dụng, thay thế việc tích hợp Điểm – Điểm giữa các hệ thống hiện tại sang mô hình tích hợp qua lớp giữa.
Điều này giúp nâng cao năng lực quản trị của toàn hệ thống bằng nhiều công cụ tích hợp các hệ thống khác nhau theo chuẩn mở, tăng khả năng bảo mật, khả năng giám sát và cải tiến chất lượng dịch vụ, khả năng tái sử dụng các cấu phần sẵn có, triển khai nhanh các dịch vụ mới theo yêu cầu thị trường, linh hoạt và dễ dàng điều chỉnh khi cần.
Hiện có 10 NHTM được lựa chọn triển khai Hiệp ước theo chuẩn Basel II, trong đó các NH này phải hoàn thiện mô hình quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế. Chính vì vậy, các NH sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư công nghệ, nhằm ứng dụng hoạt động và đẩy mạnh thanh toán.
TS. Nguyễn Trường Thắng – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, trong năm 2015, tổng đầu tư cho CNTT của các ngân hàng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương đạt gần 200 tỷ USD, với tỷ lệ tăng 4,6% so với năm 2014. Hầu hết lượng tăng nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với tỷ lệ tăng 5,6% trong tổng số 70 tỷ USD. Điều đó cho thấy xu hướng các NH khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam đang đầu tư nhiều hơn vào công nghệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia NH cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực từ phía NH, thì khách hàng cũng cần phải phối hợp chặt chẽ với NH, đặc biệt trong việc tuân thủ các thao tác về an toàn bảo mật trong giao dịch với NH. Theo TS. Nguyễn Viết Thế - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Internet Việt Nam, sự an toàn tuyệt đối chỉ đạt được khi phía NH có các giải pháp kỹ thuật công nghệ bảo vệ cần và đủ; phía khách hàng tuân thủ chặt chẽ đầy đủ quy tắc sử dụng các dịch vụ an toàn NH từ xa…