Ngân hàng Hợp tác xã: Được phép cho vay ngoài thành viên
Điều hòa vốn cho Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở
Thông tin tại buổi Họp báo trước Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (Chỉ thị 57) và ra mắt Ngân hàng Hợp tác xã tổ chức sáng mai (9/7), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, gần 13 năm qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh, thành phố, thậm chí tận các huyện, xã, phường cả nước để thực hiện Chỉ thị 57 một cách quyết liệt, toàn diện.
Đến nay, thực hiện Chỉ thị này đã đạt được kết quả tích cực. Mặc dù, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc, tồn tại liên quan đến hoạt động của QTDND nhưng qua Chỉ thị 57, NHNN tiếp tục đưa ra giải pháp, phương hướng để hoàn thiện ở cấp độ cao hơn với mô hình Ngân hàng Hợp tác xã.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo
Giới thiệu và đưa ra lý do về sự ra đời của Ngân hàng Hợp tác xã, ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã cho biết, theo Luật các TCTD năm 2010 thì mô hình QTDND Trung ương không còn trong quy định pháp lý nữa; Đồng thời theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 có định hướng việc chuyển đổi QTDND Trung ương thành mô hình Ngân hàng Hợp tác xã để trở thành một ngân hàng đầu mối, đủ tiềm lực, khả năng tài chính có thể điều hòa vốn, hỗ trợ về tài chính, kiểm tra giám sát trong hệ thống để đảm bảo sự phát triển ổn định và an toàn của hệ thống QTDND.
Ông Trần Quang Khánh cho biết, chức năng nhiệm vụ cơ bản của Ngân hàng Hợp tác xã là: điều hòa vốn trong hoạt động toàn bộ hệ thống QTDND trên phạm vi toàn quốc; phát triển các dịch vụ ngân hàng để chuyển tải đến các QTDND và qua đó chuyển nguồn vốn tới cộng đồng thành viên hoạt động trên 56/63 tỉnh, thành phố;
Ngân hàng hợp tác xã có trách nhiệm đào tạo đội ngũ cán bộ, quản lý, giám sát QTDND hoạt động đúng tiêu chuẩn, quy chế, góp phần vào sản xuất kinh doanh, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn; có trách nhiệm hỗ trợ về công nghệ thông tin để giúp cho việc hoạt động các QTDND cơ sở theo kịp hoạt động loại hình các TCTD; có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động, nghiệp vụ cũng như chấp hành quy định, đi đôi với việc đảm bảo an toàn hoạt động của các QTDND và Ngân hàng Hợp tác xã.
“Nói như vậy để thấy Ngân hàng Hợp tác xã là tổ chức đầu mối liên kết quan trọng nhất trong hệ thống các Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND và chịu trách nhiệm trước NHNN trong việc đảm bảo hỗ trợ, kiểm tra giám sát hoạt động hệ thống QTDND, theo đúng định hướng của NHNN đã đặt ra” – ông Trần Quang Khánh nhấn mạnh.
Hoạt động đặc thù, nên cần ưu đãi thuế?
Trao đổi với phóng viên về việc Ngân hàng Hợp tác xã được cho vay với khách hàng cá nhân, DN ngoài thành viên, ông Trần Quang Khánh cho biết, trước hết Ngân hàng Hợp tác xã là ngân hàng phục vụ cho các QTDND. Nhưng nếu như một ngân hàng hoạt động mà chỉ giới hạn phạm vi một đối tượng, đặc biệt hoạt động của hệ thống QTDND rất đặc thù mùa vụ, thường vào cuối năm, dịp tết Nguyên đán và mùa vụ của hoạt động nông nghiệp thì có thể dẫn tới ứ thừa vốn vào một số thời điểm.
Chính vì vậy, NHNN cho phép Ngân hàng Hợp tác xã trong thời điểm các QTDND thành viên tạm thời không có nhu cầu, không sử dụng nguồn vốn thì Ngân hàng Hợp tác xã được phép cung cấp sản phẩm của mình ra bên ngoài để đảm bảo nguồn thu nhập, thông qua hoạt động đó, tăng trưởng được năng lực tài chính của mình, phục vụ lại các QTDND thành viên tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Khánh, tại thời điểm hiện nay, QTDND Trung ương đang chịu mức thuế tương tự như các NHTM. Chỉ riêng có QTDND cơ sở thì chịu mức thuế thấp hơn (các NHTM khác đang chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, nhưng riêng QTDND cơ sở đang hưởng mức thuế 20%). Với tinh thần Chỉ thị 57 này, chúng tôi phục vụ cho các QTDND thành viên, mà đối tượng của các QTDND thành viên phục vụ chủ yếu là địa bàn nông nghiệp, nông thôn nên chúng tôi đề xuất Nhà nước nên áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với Ngân hàng Hợp tác xã tương tự như các QTDND cơ sở” – ông Khánh nói.
Thông tin về tình hình nợ xấu ở mức khá thấp, ông Nguyễn Đăng Hồng – Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, thông thường khoảng Quý II, NHNN mới xếp loại tỷ lệ nợ của năm trước. Trên cơ sở xếp loại, chúng tôi đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động từng nhóm QTDND qua đó theo dõi, cảnh báo từng quỹ tín dụng yếu kém.
“Nếu những bất ổn xảy ra với các QTDND thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình địa phương” – ông Nguyễn Đăng Hồng nói. Theo số liệu của năm 2011, tổng số QTDND cơ sở là 1.075 Quỹ. Xếp loại hoạt động bình thường 1.049 Quỹ, chiếm 97,58% tổng số Quỹ. Trong đó, có 652 Quỹ xếp loại 1 (loại tốt), chiếm 60,65%; 290 Quỹ xếp loại 2 (loại khá), chiếm 26,98%; 107 Quỹ xếp loại 3 (loại trung bình), chiếm 9,95%; số yếu kém chỉ còn 26 Quỹ (chiếm 2,42%), trong đó có 15 quỹ xếp loại 4 (chiếm 1,4%) và 11 Quỹ xếp loại 5 (chiếm 1,02%).
“Về quy trình hoạt động, trong hệ thống NHNN, giám đốc chi nhánh NHNN địa phương được thẩm quyền cấp giấy phép cho hoạt động của QTDND cơ sở, và hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng tỉnh, thành phố, trực tiếp thanh tra các TCTD và các Quỹ” – ông Hồng cho biết.
Quang Cảnh