Ngành Ngân hàng Hà Nội: Tín dụng tăng 16,92%, tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế thủ đô
Một góc Thủ đô Hà Nội |
Bốn nhà băng lớn đi đầu cho vay xây dựng nông thôn mới
Trong cơ cấu tổng dư nợ, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.652.929 tỷ đồng chiếm 88,35% và tăng 18,69%, trong dư nợ ngắn hạn tăng 19,75%, dư nợ trung và dài hạn tăng 17,93% so với cuối năm 2017.
Kể từ đầu chương trình đến nay, cam kết cho vay theo kết nối ngân hàng – doanh nghiệp là 538.125 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 505.602 tỷ đồng. Lãi suất cho vay phổ biến 6-6,5% đối với vay ngắn hạn, 8-9%/năm đối với vay trung và dài hạn.
Năm 2018, các TCTD trên địa bàn đã tích cực tham gia đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank luôn dẫn đầu với số dư nợ cho vay lớn nhất đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, gồm 85.529 khách hàng cá nhân, 982 doanh nghiệp và 10 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chiếm tỷ trọng 87,37% dư nợ của toàn ngành. Tiếp theo là Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, gồm 192.056 khách hàng cá nhân và 9 doanh nghiệp, hợp tác xã, chiếm tỷ trọng 12,47%...
Những kết quả đạt được cho thấy những biện pháp của ngành Ngân hàng Hà Nội đã bước đầu phát huy được hiệu quả và có tác động tích cực đến việc triển khai cho vay phục vụ phát triển kinh tế tại các địa phương xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, từng bước tạo điều kiện cho các địa phương này đáp ứng các tiêu chí về nông thôn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tích cực tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng
Năm 2019, NHNN chi nhánh Hà Nội, tiếp tục thực hiện kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Chỉ đạo TCTD thực hiện nghiêm túc chính sách tỷ giá, lãi suất, xây dựng và thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả theo định hướng của NHNN Việt Nam năm 2019; Tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Cùng với đó tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND TP.Hà Nội và NHNN Việt Nam về hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Qua đó tham mưu phối hợp đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi sất hợp lý cho khách hàng.
Thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 về thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án và các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam; Chỉ thị 22/CT-UBND về xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn; Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Về tăng trưởng tín dụng năm 2019, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, NHNN Hà Nội chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Chỉ đạo các TCTD, ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, hướng tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Các TCTD trên địa bàn Hà Nội chú trọng kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo mục tiêu an toàn, hiệu quả; tích cực và chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như: bán nợ xấu sang VAMC, bán nợ cho DATC, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm, thu từ khách hàng trả nợ. Đến 31/12/2018, nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn dự kiến chiếm 2,3%/tổng dư nợ. |