Ngành Ngân hàng và cuộc CMCN 4.0: Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo đột phá
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo | |
Tiên phong bắt kịp 4.0, ngân hàng cần hành lang pháp lý |
Cơ hội song hành thách thức
Cuộc CMCN 4.0 tạo ra những đột phá trong ứng dụng công nghệ, thay đổi cách con người sống, làm việc, định hình lại các giá trị, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. Sự phát triển của công nghệ ảnh hưởng sâu rộng, mang tính cải cách cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội; và ngành Ngân hàng không phải là ngoại lệ.
Dịch vụ thanh toán không tiếp xúc đang là một xu thế |
Trên nền tảng công nghệ 4.0 cùng với việc tận dụng những thế mạnh của kinh tế quy mô, kinh tế chia sẻ, việc triển khai ứng dụng công nghệ số kỹ thuật cao liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, thực tế ảo… sẽ giúp giảm thiểu chi phí giao dịch, vận chuyển, quản lý, góp phần tiết kiệm về mặt tài chính cho các ngân hàng Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp ngân hàng nâng cao lợi nhuận, đảm bảo tính sẵn sàng cao cho hệ thống trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng. Khi sự minh bạch ngày càng rõ hơn, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính hàng đầu trong và ngoài nước. Từ đó giúp các ngân hàng trong nước nâng lên một tầm cao mới, phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Theo một khảo sát tháng 4/2018 của Ngân hàng Nhà nước đối với các TCTD Việt Nam về CMCN 4.0, có 6 công nghệ nền sẽ tác động mạnh, có tiềm năng ứng dụng lớn cho ngân hàng: Điện toán đám mây (Cloud Computing); Phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics); Trí tuệ nhân tạo (A.I); Tự động hóa quy trình bằng Robot (R.P.A); Công nghệ Blockchain; và Kết nối vạn vật (Internet of Things - I.o.T).
Những tiến bộ từ cuộc cách mạng công nghệ số trước kỷ nguyên CMCN 4.0 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư, tận dụng lợi thế đi sau tiếp nhận sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới từ các ngân hàng, các đối tác nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược trong việc ứng dụng khuôn khổ quản trị và kinh doanh hiện đại, tiếp thu mô hình ngân hàng số thông minh và phát triển sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mở ra từ CMCN 4.0, ngành Ngân hàng cũng đồng thời phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0.
Đó là, thách thức đối với các ngân hàng trong thay đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh tế số cũng như thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số…
Hơn nữa, bất kể sự thay đổi về công nghệ, phương thức quản lý hay việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng phạm vi hoạt động... đều đòi hỏi phải có tiềm lực đầu tư về tài chính không nhỏ. Nếu một ngân hàng không có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực tài chính thì ngân hàng đó sẽ thất bại ngay từ bước đầu tiên nhập cuộc CMCN 4.0. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực lớn đến kết cấu vốn vay và lợi nhuận của các NHTM, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ.
Các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ gặp áp lực không nhỏ trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như việc đào tạo cán bộ, nhân viên có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới.
Chủ động, tích cực với xu thế 4.0
Nhận biết được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, thể hiện ở các mặt:
(i) Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, bảo mật; (ii) Tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; (iii) Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chính phủ điện tử; (iv) Tích cực hỗ trợ sự phát triển của các công ty Fintech, tổ chức cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính (FCV) lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 5/2018; (v) Tăng cường công tác truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thành tựu CMCN 4.0 trong ngành Ngân hàng.
Nhằm đón đầu xu hướng phát triển của CMCN 4.0, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Yêu cầu của khách hàng về tốc độ và sự tiện lợi trong dịch vụ ngân hàng ngày càng cao, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng thích ứng, cải cách không chỉ sản phẩm, dịch vụ mà cả kênh tiếp cận, quy trình, cơ sở hạ tầng và nhân sự. Quá trình số hóa diễn ra với mọi sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, từ thanh toán, chuyển tiền, cho vay, tiết kiệm đến quản lý tài chính. Sự ra đời của mô hình ngân hàng số, như Timo của VPBank hay LiveBank của TPBank; không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab của Vietcombank; khu trải nghiệm giao dịch ngân hàng điện tử hiện đại E-Zone của BIDV… là những ví dụ điển hình cho xu hướng này, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi của tầng lớp khách hàng trẻ tuổi. Hay như ứng dụng ngân hàng điện tử My Ebank của Sacombank, sử dụng các giải pháp e-banking để cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...).
Từ xu thế phát triển của CMCN 4.0, định hướng của Chính phủ và hạ tầng của các ngân hàng Việt Nam hiện nay, các ngân hàng có thể lựa chọn hai hướng chủ đạo để thích ứng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0: phát triển ngân hàng số và tăng cường hợp tác ngân hàng - Fintech.
Đối với ngân hàng số, đây là mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành, cung ứng sản phẩm - dịch vụ trên nền tảng số, đem lại lợi ích to lớn cho ngân hàng về tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sự gắn kết với khách hàng.
Để phát triển ngân hàng số, các ngân hàng Việt Nam cần đầu tư, triển khai các công nghệ, giải pháp tiên tiến như: Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa quy trình bằng robot, Chia sẻ dữ liệu qua giao diện chương trình ứng dụng mở, Công nghệ blockchain… nhằm thay đổi căn bản hoặc tái cấu trúc toàn diện quy trình xử lý nội bộ, mô hình kinh doanh theo hướng đơn giản - tinh gọn, số hóa, tự động, thông minh và tối ưu hóa các kênh giao tiếp với khách hàng theo hướng đa kênh đồng nhất.
Về hợp tác ngân hàng - Fintech, thời gian qua các ngân hàng đã chủ động triển khai và đạt được một số kết quả nhất định. Thời gian tới, ngân hàng cần tăng cường hợp tác với Fintech nhằm tận dụng mô hình kinh doanh tinh gọn, hướng tới trải nghiệm khách hàng và sự đổi mới, sáng tạo của Fintech, kết hợp với khai thác ưu thế quản trị rủi ro vững mạnh, cơ sở khách hàng rộng lớn của các ngân hàng để có được sức mạnh tổng hợp trong cung ứng dịch vụ, tạo bước phát triển mới của ngành Ngân hàng - Tài chính Việt Nam. Điều này sẽ làm giảm chi phí, tăng tiện ích cho khách hàng và góp phần quan trọng trong việc phổ cập tài chính đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa…