Nghị định 67 tạo bước đột phá phát triển ngành thủy sản
Dự và chỉ đạo hội nghị có ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN; ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cùng đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo 28 địa phương có biển trong cả nước…
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN phát biểu chỉ đạo hội nghị |
NĐ 67 có hiệu lực từ tháng 8/2014. Đến nay chính sách tín dụng ưu đãi nhằm phát triển ngành thuỷ sản này đã và đang đi vào cuộc sống, góp phần hiện thực hoá giấc mơ tàu lớn từ bao đời này của bà con ngư dân. Nhờ chính sách này, nhiều con tàu có công suất lớn đã được hạ thủy, vững vàng thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa… giúp nâng cao đời sống của ngư dân, góp phần phát triển ngành kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Xác định rõ đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển nói chung và phát triển ngành thủy sản nói riêng, giúp ngư dân bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc,… ngành Ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực đưa nguồn vốn ưu đãi đến với ngư dân.
Toàn cảnh hội nghị |
Theo đó, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai NĐ 67. NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành ven biển đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng gặp gỡ, tiếp xúc với Ban chỉ đạo địa phương cũng như ngư dân có nhu cầu vay vốn. Từ đó, tìm hiểu vướng mắc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh quá trình thực hiện NĐ 67.
Về phía các NHTM cũng đã vào cuộc từ rất sớm, lựa chọn chủ tàu ngay từ cấp xã đến quá trình phê duyệt danh sách ở cấp tỉnh, tránh việc thẩm định lại để rút ngắn thời gian cho vay sau khi UBND tỉnh, thành phê duyệt danh sách.
Đồng thời, cử người tham gia trong tổ thẩm định, chủ động tham gia vào các tổ giúp việc, hỗ trợ Ban chỉ đạo NĐ 67 ở địa phương, hướng dẫn bà con hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn, đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch.
Đặc biệt, các NH đã cam kết đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay theo NĐ 67 của Chính phủ. Riêng 5 NHTM Nhà nước, ngay sau khi NĐ 67 có hiệu lực, đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay chương trình...
NĐ 67, động lực quan trọng để ngư dân yên tâm đóng tàu to, máy lớn |
Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, xác định việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ để hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi bám biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn ngành. Theo đó, ngay từ khi có chủ trương của Chính phủ về các chính sách phát triển thuỷ sản, BIDV đã tích cực, chủ động tham gia công tác hoàn thiện cũng như triển khai, thực hiện NĐ 67.
Tính đến nay, các NHTM đã nhận 605 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu tại 27 tỉnh, thành phố. Trong đó, đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 3.900 tỷ đồng và đã giải ngân gần 2.000 tỷ đồng. Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60% - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu; tài sản bảo đảm là chính con tàu. Đến nay đã có 84 tàu cá đóng mới, 12 tàu nâng cấp được hạ thủy và đi vào khai thác. Bên cạnh đó, các NHTM còn giải ngân cho 204 lượt khách hàng vay vốn lưu động với tổng số tiền gần 64 tỷ đồng.
Tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam đóng mới từ vốn vay theo NĐ 67 |
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, các NHTM đã tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay theo NĐ 67, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân hoàn thành việc đóng mới tàu để vững vàng vươn khơi. Kết quả này cũng đã xóa tan những hoài nghi của ngư dân về tính hiệu quả của NĐ 67. Từ đó giúp bà con tin tưởng hơn vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, NĐ 67 là một hệ thống các chính sách đồng bộ lớn nhất từ trước tới nay để hỗ trợ người dân đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn, do chưa có tiền lệ nên đã phát sinh một số vướng mắc khi triển khai. Do vậy, để kịp thời điều chỉnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP (NĐ 89) ngày 7/10/2015 về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Lễ ký kết tài trợ tín dụng theo NĐ 67 |
Tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều đại biểu tham gia cho rằng, việc thực hiện NĐ 67 vẫn còn gặp những khó khăn, bất cập. Nổi cộm là những vướng mắc trong chính sách thuế.
Theo đó, chính sách thuế còn bất cập, chủ tàu mua các nguyên vật liệu bên ngoài đều có tính thuế VAT, nhưng không được giảm trừ do người bán không thể xác định chủ tàu nào mua để sử dụng đóng tàu theo NĐ 67, mức thuế phải chịu khiến chi phí đóng tàu tăng lên.
Ngoài ra, việc hỗ trợ thuế phí cho chủ tàu ở nhiều địa phương thực hiện muộn cũng là lý do khiến chủ tàu thêm khó khăn về việc bổ sung vốn đối ứng nên ngư dân chưa yên tâm vay vốn NH khi chưa rõ mình sẽ được ưu đãi thuế như thế nào.
Về phía các cơ quan chức năng, thông thường đơn vị bảo hiểm chủ yếu chỉ nhận bảo hiểm thân vỏ tàu, không bảo hiểm cho phần ngư lưới cụ. Trên thực tế, giá trị của ngư lưới cụ, đặc biệt với các con tàu vỏ thép có giá trị lớn, do vậy việc không được bảo hiểm phần ngư lưới cụ cũng gây tâm lý e dè cho ngư dân cũng như NH cho vay.
Theo ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Bình, một số chủ tàu còn ngộ nhận nguồn vốn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu theo NĐ 67 là nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ nên vẫn chủ quan khi tính toán hiệu quả kinh tế của dự án với kỳ vọng sẽ được Nhà nước hỗ trợ khi... không trả được nợ.
Đặc biệt, việc đóng tàu vỏ thép có công suất lớn để khai thác xa bờ đòi hỏi trình độ, tay nghề của ngư dân phải được nâng cao, đào tạo bài bản, thích ứng với điều kiện mới, môi trường đánh bắt xa bờ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tay nghề của hầu hết ngư dân ở còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, nhiều ngư dân địa phương còn lo lắng đầu ra cho sản phẩm. Đánh bắt trên những tàu cá được đóng theo NĐ 67 có giá trị lớn, công nghệ khai thác hiện đại, sản phẩm làm ra cũng sẽ nhiều hơn. Nhưng, với cách tiêu thụ sản phẩm như hiện nay, thì ngư dân vẫn là người chịu thiệt.
Để giải quyết các khó khăn này, cần những giải pháp căn cơ và lâu dài với sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các địa phương và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính...
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành các định mức kỹ thuật cũng như giá khái toán của các loại tàu, làm cơ sở để các NHTM thẩm định giá, hạn chế sự chênh lệch giữa giá thẩm định và chi phí đóng tàu của các cơ sở đóng tàu đưa ra. Do đặc thù ngành khai thác đánh bắt thủy hải sản xa bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro, và việc thẩm định tàu cá khá phức tạp, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp, hỗ trợ các NHTM trong các vấn đề liên quan đến đăng kiểm, thẩm định kĩ thuật của tàu cá, kiểm soát lộ trình các chuyến đi biển để nâng cao hiệu quả cho vay.
Về phía chính quyền các địa phương, cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện theo quy định tại NĐ 67. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về các chính sách phát triển thủy sản theo NĐ 67 để người dân biết và tham gia...
Trao quyết định khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện NĐ 67 |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, mặc dù mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn, nhưng NĐ 67 đã thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ. Điều này, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống từng địa phương. Sự hiện diện của ngư dân ở những vùng biển xa, ngoài việc nâng cao hiệu quả đánh bắt, cải thiện cuộc sống cho bà con ngư dân đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng phục vụ ngành thủy sản từ vấn đề đầu tư xây dựng bến cảng, hỗ trợ thị trường cho ngư dân, nâng cao giá trị chuỗi liên kết từ đánh bắt đến chế biến cũng đã được quan tâm nhiều hơn… Những nỗ lực này phù hợp với chiến lược phát triển Kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020.
Tuy nhiên, việc thực hiện NĐ 67 mới chỉ là bước khởi đầu. Bởi, đây là một quá trình xuyên suốt, không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều mà cần có thời gian. Do vậy, trong thời gian tới đang còn nhiều việc phải làm. Về phía các cơ quan chức năng, cần lắng nghe ý kiến của người dân, cũng như doanh nghiệp… để kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung cũng như khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế của NĐ 67 trong thực tế. Đồng thời, có những hỗ trợ ngư dân về kỹ thuật đánh bắt, đào tạo nhân lực, thị trường…
Chính quyền các địa phương cần tạo cơ chế, để các cơ quan chức năng có thể vào cuộc ngay từ đầu. Từ khâu lựa chọn chủ tàu, xét duyệt hồ sơ đến việc giám sát đóng tàu… Đối với các DN, cơ sở đóng tàu cần xem việc thực hiện NĐ 67 là một cơ hội để phát triển nhưng phải mang tính phục vụ, tránh làm ăn theo kiểu “chụp giât”… để hỗ trợ cho bà con ngư dân.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, để đẩy mạnh việc thực hiện NĐ 67 trong thời gian tới, các NHTM cần tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, công khai hồ sơ, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ... góp phần tác động chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, hải sản đánh bắt có giá trị kinh tế cao, mở ra triển vọng mới cho ngành thuỷ sản nước nhà trong tương lai.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các NH gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đã tổ chức lễ ký kết 14 hợp đồng tín dụng với các chủ tàu được vay vốn theo NĐ 67 với số tiền cam kết đầu tư lên đến hơn 190 tỷ đồng. Được biết, đây là những chủ tàu đến từ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Kiên Giang và Quảng Nam….
Cũng trong dịp này, vào 20h ngày 7/3/2015, tại Cung Văn hóa Lao động tỉnh Quảng Ngãi, NHNN sẽ phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đêm an sinh xã hội mang tên “Bản hùng ca về biển”, chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và VTV8 của Đài Truyền hình Việt Nam.