Nhà máy nước tiền tỷ bị bỏ hoang
Đơn cử, nhà máy nước xã Đức Dũng (huyện Đức Thọ) được đầu tư gần 1 tỷ đồng theo nguồn vốn của dự án UNDP và DFID. Nhà máy được khởi công vào năm 2008, năm 2009 được đưa vào sử dụng. Tưởng chừng khi nhà máy hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân nơi đây, thế nhưng khi bà con lắp ống nước về tận từng gia đình để sử dụng thì nhà máy này đã phải… đóng cửa vì nhiều lý do.
Bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch UBND xã Đức Dũng cho biết, địa phương có nhu cầu sử dụng nước sạch cao nhưng nhà máy mới hoạt động thử được 2 ngày thì phải dừng. Đến năm 2013, có đoàn về khảo sát, đánh giá lại thấy công trình không phát huy được nên đã cho thanh lý.
Nhà máy nước ở xã Đức Dũng đã bỏ hoang nhiều năm nay |
Được đầu tư với nguồn vốn lớn hơn, nhà máy nước ở xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ) thời gian đầu được coi là điểm sáng để các địa phương khác học tập. Đây là công trình do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Công trình có vốn gần 7 tỷ đồng được xây dựng năm 2009, năm 2010 bắt đầu đưa vào hoạt động nhưng vừa mới chạy thử thì cũng lâm vào cảnh “đắp chiếu”.
Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng giải thích, nhà máy nước không thể vận hành do việc xử lý nước đầu nguồn không tốt, thường xuyên mắc kẹt dẫn đến nhiều lần cháy máy và hư hỏng đường ống. Mặc khác, khi xây dựng công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang và cầu Đồng Văn đã làm dòng chảy bị bồi lấp nên không thể vận hành nhà máy.
Về phía địa phương, công tác vận hành, bảo dưỡng nhà máy cũng chưa được triển khai tốt. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy luôn gặp sự cố, khắc phục được vấn đề này thì vấn đề khác lại nảy sinh dẫn đến tình trạng không thể vận hành được thường xuyên và liên tục, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nhân dân.
Được biết, trên địa bàn Hà Tĩnh, ngoài 10 nhà máy nước sạch bị thanh lý vào cuối năm 2013, mới đây có thêm hai nhà máy nước Gia Dù ở Cẩm Xuyên và nhà máy nước Hương Lâm ở Hương Khê cũng phải đóng cửa. Ngoài ra, còn có khoảng chục nhà máy không hoạt động hoặc hoạt động kém chất lượng như: Nhà máy nước Cương Gián (Nghi Xuân), nhà máy nước Tân Lộc (Lộc Hà) và các nhà máy ở các xã Sơn Tây, Sơn Kim, Sơn Lĩnh (Hương Sơn)...
Theo ông Đoàn Văn Khang, Trưởng phòng Kế hoạch của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Hà Tĩnh, thực trạng nhiều nhà máy nước được đầu tư xây dựng nhưng bị thanh lý hoặc hoạt động không có hiệu quả tồn tại từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết.
Địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm giải quyết thực trạng này, và quyết định thống nhất giao trách nhiệm vận hành nhà máy cho chính quyền địa phương nơi có nhà máy. Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước tỉnh về việc nhà máy hoạt động không hiệu quả.
Cũng theo ông Khang, nguyên nhân khiến hàng loạt nhà máy nước bị “khai tử” là do việc xây dựng đề án, khảo sát chưa kỹ càng, thiếu nguồn vốn và do việc quản lý, vận hành của địa phương chưa tốt. Theo đó, nguồn vốn chủ yếu dựa vào các dự án, các nguồn khác nhau nên xuất hiện nhiều chủ đầu tư khiến việc thiết kế không đồng bộ. Nguồn thu không đủ chi dẫn đến tình trạng bỏ hoang hàng loạt nhà máy nước tiền tỷ.
Ngoài việc điều tra khảo sát không kỹ, nguồn vốn ít, thiết kế thiếu đồng bộ, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, hời hợt với việc quản lý các nhà máy nước, một số nơi không cắt cử người trông coi, nên các cơ sở vật chất của nhà máy ngày càng xuống cấp nghiêm trọng và không còn giá trị sử dụng. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên sự lãng phí tiền tỷ này.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng có liên quan, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cần quan tâm hơn nữa, sớm có giải pháp để giải quyết thực trạng và cần quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân gây nên sự lãng phí này nếu có. Mặt khác, cần củng cố, khắc phục, duy tu, sửa chữa những công trình kém hiệu quả đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.