Tiết kiệm để có thêm nguồn lực chống dịch
Lãng phí gây thiệt hại lớn
Thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu đánh giá công tác này đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương nên đã góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Nhiều cải cách hành chính được triển khai mạnh đã góp phần quan trọng trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản…
Theo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai đã giúp hoạt động thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm qua có nhiều chuyển biến. Một vài con số cụ thể có thể kể đến như: Ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55 nghìn tỷ đồng; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm; tinh giảm biên chế bộ máy gần 24 ngàn người...
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất xây dựng bộ chỉ số sử dụng hiệu quả ngân sách |
Theo các đại biểu Quốc hội, đây là những nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh năm 2020 gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác này trong đó có việc một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chậm báo cáo kết quả thực hiện so với thời hạn quy định. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ và tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục...
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, nhưng đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, lãng phí đã, đang và vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, đang tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đặt ra những thách thức nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần bổ sung làm rõ thêm thực trạng và các hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. “Đánh giá đúng tình hình, có dự báo đúng tình hình thì chúng ta mới có cơ sở để tập trung nguồn lực, khai thác tối đa các nguồn lực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, đại biểu này nói.
“Lãng phí rất nguy hại và gây tác hại còn lớn hơn tham nhũng. Nhưng trong nhận thức của nhiều người vẫn xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi lãng phí, khi coi lãng phí chỉ là tồn tại, hạn chế, khuyết điểm đơn thuần”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu và khẳng định: “Phát hiện hành vi tham nhũng có thể gặp nhiều khó khăn vì đó là hành vi tội phạm ẩn, người phạm tội có quyền, có trình độ, thủ đoạn tinh vi thì hành vi lãng phí dễ dàng nhận diện hơn. Nếu kiên quyết, có chế tài mạnh chúng ta có thể chống lãng phí một cách hiệu quả và có thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội”.
Cần có bộ chỉ số về tiết kiệm, chống lãng phí
Chỉ ra một số dạng lãng phí cụ thể mà cử tri và nhân dân đang rất bức xúc, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, đầu tư công chắc chắn là một phần lãng phí rất lớn. Theo ông, giải ngân đầu tư công chậm, công trình chậm tiến độ, khiến toàn bộ vốn đưa vào công trình đó không trở thành tài sản đưa vào sử dụng, sẽ gây lãng phí. Dự án triển khai không đúng kế hoạch kéo theo làm chậm các công trình, các hoạt động kinh tế - xã hội khác đã gây lãng phí vốn đầu tư lại gây thêm những lãng phí của các ngành, các lĩnh vực có liên quan. Bên cạnh đó, những dự án đầu tư triển khai xong rồi bỏ đấy, không có hiệu quả hoặc hiệu quả không cao cho thấy chúng ta đã lãng phí từ khâu quyết định đầu tư, thiếu sự tính toán một cách chắc chắn và ổn định…
Đặc biệt, cử tri và nhân dân đang bức xúc trong chuyện để lãng phí khi tài sản nằm ở các DNNN không có hiệu quả, những doanh nghiệp yếu kém, những doanh nghiệp thua lỗ. Điển hình như 12 đại dự án thua lỗ không xử lý được thì hàng năm tiếp tục lỗ thêm, tài sản tiếp tục hư hỏng. Đó sẽ là một lãng phí vô cùng lớn của xã hội. Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp mạnh để dứt điểm những việc lãng phí những nguồn lực rất lớn này.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, Quốc hội không những phân bổ nguồn đầu tư công mà còn phải tăng cường giám sát, có như vậy mới kiểm soát được nguồn lực quốc gia được đầu tư đúng mục đích và hiệu quả. Trong đó, thay vì xây dựng các công trình, trụ sở hoành tráng mà công năng sử dụng không hết sẽ gây lãng phí, phân bổ nguồn vốn đầu tư công nên tập trung phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục, khoa học, công nghệ, vì đây mới là nguồn đầu tư mang tính dẫn dắt, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển.
Góp ý về các chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể trong năm 2021 được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, chỉ tiêu năm 2021 “giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015” thì đây không phải là chỉ tiêu cho một năm (vì so với năm 2015 thì đây là kết quả của một giai đoạn 5 năm). Do đó đại biểu đề nghị cần có chỉ tiêu cụ thể so với năm 2020 thì mới rõ kết quả của năm 2021. Bên cạnh đó, đại biểu Nga cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong năm nay. Hơn nữa, công tác tiết kiệm, chống lãng phí muốn đạt hiệu quả cao còn liên quan rất mật thiết đến năng lực cán bộ, như năng lực nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách, năng lực xây dựng phương án đầu tư sao cho hợp lý và hiệu quả, năng lực quản trị tài chính… Vì vậy, việc chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cũng là một giải pháp hữu ích.
Tiếp cận một cách tổng quan hơn, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất cần xây dựng chỉ số đánh giá về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đại biểu này, thông thường để tăng hiệu quả hoạt động, chúng ta phải tạo ra môi trường cạnh tranh. Ví dụ khi đưa ra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã thúc đẩy các tỉnh phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn. Tương tự như vậy, nếu có bộ chỉ số để đo lường về hiệu quả sử dụng ngân sách sẽ giúp dễ dàng so sánh hiệu quả sử dụng ngân sách của các địa phương trên mỗi lĩnh vực, qua đó tăng trách nhiệm của các địa phương. Nói cách khác, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được triển khai tốt hơn. “Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm đề xuất Chính phủ nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số sử dụng hiệu quả ngân sách trong thời gian tới”, đại biểu Cảnh đề xuất.