Nhiều dự án kêu gọi vốn đầu tư
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian vừa qua, thành phố đã tập trung thực hiện đơn giản hóa và công khai quy trình đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đang là mối ưu tiên hàng đầu của TP.Hồ Chí Minh |
Cụ thể, đến nay thành phố tăng cường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, thủ tục đầu tư nhanh chóng như rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp (DN) xuống còn 3 ngày, đăng ký đầu tư 15 ngày, giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế còn 171 giờ, hải quan với 97% kê khai điện tử.
Ngoài thực thi chính sách của Trung ương như áp dụng các luật mới liên quan đến đầu tư sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, lộ trình giảm thuế thu nhập DN tiếp tục được triển khai đến năm 2016, sẽ giảm từ 22% xuống còn 20%.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải tạo cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đẩy nhanh tiến độ di dời và phát triển hệ thống cảng biển, tạo quỹ đất, quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng khu Công nghệ cao 2, Khu đô thị cảng Hiệp Phước… nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài đến tham gia, tìm kiếm cơ hội rót vốn.
Hiện tại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nhiều dự án trọng điểm đang kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực đường sắt đô thị, xử lý nước thải và thương mại. Cụ thể như hệ thống Metro được quy hoạch gồm 10 tuyến. Trong đó có tuyến Monorail số 2 (ước tính 715 triệu USD) và tuyến Monorail số 6 (tổng mức đầu tư 1,33 tỷ USD) là 2 dự án thành phố mong muốn kêu gọi sự đầu tư của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, hệ thống thoát nước thải trên địa bàn thành phố được chia thành 12 vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, Dự án Hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn thuộc lưu vực số 2 và được thành phố lựa chọn làm dự án tiên phong để triển khai thực hiện theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư dự kiến là 49,54 triệu USD cho dự án Nhà máy xử lý nước thải và trên 270 triệu USD cho dự án hệ thống thu gom.
Ngoài ra, Dự án Khu thương mại ngầm Nhà ga Trung tâm Bến Thành với tổng mức đầu tư hơn 312 triệu USD cũng được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP và đấu thầu rộng rãi... Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh đang rất cần nguồn lực đầu tư từ các đối tác nước ngoài.
Phát biểu tại một hội nghị thu hút vốn đầu tư Nhật Bản diễn ra mới đây, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư, kinh doanh lâu dài, nhất là đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam, hiện nay số lượng DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng đến 787 công ty. Với đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì ở mức cao, cùng với việc hiệp định TPP dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tốc phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN Nhật Bản tiếp tục đến với Việt Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh là cửa ngõ với nhiều tiềm năng rộng mở.
Tuy nhiên, để dòng vốn Nhật có thể chảy mạnh vào Việt Nam, nhiều DN Nhật Bản đưa ra ý kiến, Chính phủ và nhất là các cơ quan hành chính tại địa phương cần khắc phục một số mặt tồn tại như tình trạng nhân viên thuế hoặc hải quan trong nước vận dụng các quy định luật một cách tùy tiện, thiếu sự đồng bộ, nhất quán.
Hay việc lương tối thiểu tăng cao liên tục, khó xin giấy phép lao động, các thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, kinh doanh còn tồn tại nhiều khó khăn, nhiều khoản phí thu không minh bạch...
Vì vậy, nếu nhanh chóng khắc phục được tình trạng này và ngày càng tiến tới hoàn thiện môi trường đầu tư, TP. Hồ Chí Minh với sự năng động và đổi mới, sẽ vẫn còn nhiều tiềm năng và “dư địa” để thu hút nguồn lực đầu tư đến từ Nhật Bản.