Cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền”: Cần bước đi thận trọng
Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, sẽ biểu quyết thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng |
Trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS), Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 Luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật này là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Liên quan đến Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán độc lập, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh cho biết, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán cũng như các ý kiến của ĐBQH phát biểu tại Tổ và Hội trường, có 2 nội dung còn có ý kiến nhiều chiều, đó là nội dung về: (1) Báo cáo về vốn điều lệ và (2) việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Các cơ quan đã trao đổi, thống nhất quy định về 2 nội dung này tại dự thảo Luật theo hướng quy định trong luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.
Về Bổ sung điểm d khoản 5 Điều 19 và điểm d khoản 2 Điều 30 Luật NSNN về phân bổ dự toán chi NSNN chưa phân bổ chi tiết. Đa số ý kiến không nhất trí sửa đổi nội dung này do không phù hợp thẩm quyền quy định tại Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật NSNN; Nhiều ý kiến đề nghị quy định thẩm quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định; Một số ý kiến đề nghị có thể xử lý nội dung này bằng cách sửa đổi quy định về sử dụng dự phòng...
Đối với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ông Lê Quang Mạnh cho biết, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật này cũng như các ý kiến của ĐBQH phát biểu tại Tổ và Hội trường, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau. Cụ thể, về nội dung phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công: Nhiều ý kiến nhất trí sửa đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” trong quản lý, sử dụng tài sản công; Một số ý kiến và Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc, chưa sửa đổi, bổ sung các điều khoản này, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động; rà soát bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ để tránh mâu thuẫn, chồng chéo ngay trong nội bộ luật này và các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các pháp luật chuyên ngành; Một số ý kiến đề nghị quy định rõ quyền hạn của Chính phủ, các cơ quan…
Cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý tài sản công cần được đánh giá kỹ tác động |
Thường trực Ủy ban Pháp luật và đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, sửa đổi tất cả các nội dung chuyển từ “phân cấp” sang “phân quyền” đối với tất cả các nội dung tại dự thảo Luật sẽ không phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thậm chí ngay trong các điều khoản của Luật hiện hành; cần phải rà soát sửa đổi tổng thể toàn bộ các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và sửa đổi, bổ sung thêm một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng để quy định ngay trong Luật các nội dung chuyển từ “phân cấp” sang “phân quyền” phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ thêm nhiều vấn đề được các thành viên UBTVQH và báo cáo thẩm tra đề cập.
Chẳng hạn về phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công, Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc này không phải là “buông” quản lý, mà là giảm thủ tục hành chính. Theo đó, các địa phương, bộ, ngành được phân cấp, phân quyền để quản lý tài sản chặt chẽ, theo đúng quy định pháp luật.
Với những ý kiến về các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH), Phó Thủ tướng giải thích KHĐTCTH được lập ra với mục đích đảm bảo cân đối tài khóa, không để tình trạng đầu tư vượt khả năng như trước đây. Đến nay, KHĐTCTH đã giải quyết được vấn đề này, tuy nhiên trong điều hành từng năm có các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi nên cần bổ sung quy định này, theo Luật NSNN. Việc thực hiện chi các chương trình, dự án này vẫn phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục theo quy định về đầu tư công.