Nhiều thách thức với mục tiêu giảm lãi suất
Tại Hội thảo kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 do Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 9/3 ở TP.HCM, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) chia sẻ rằng mục tiêu giảm lãi suất trong năm 2017 là một mục tiêu rất thách thức đối với ngành Ngân hàng.
Chia sẻ trên là phần trả lời của ông Tú Anh đối với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khi ông Lộc đặt vấn đề về cơ hội giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ các gói vay giá rẻ đối với khối DNNVV trong năm 2017.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) chia sẻ tại hội nghị |
Dẫn chứng về những thách thức trong mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong năm 2017, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế các quốc gia lớn trên thế giới đang có khá nhiều biến động. Độ co giãn của cầu nhập khẩu theo thu nhập đã giảm rõ rệt từ năm 2011 đến nay tại hầu hết các nền kinh tế APEC và trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước phát triển. Điều này cho thấy dấu hiệu xu hướng bảo hộ thương mại có phần gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại trong nước, đại diện NHNN cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 ở mức 6,7% gây sức ép lớn lên lạm phát cơ bản. Ngoài ra, xu hướng đồng USD lên giá và các nước nhiều khả năng vẫn tiếp tục thực hiện chính sách chủ động làm yếu đồng nội tệ. Điều này có thể ảnh hưởng tới tỷ giá và lạm phát của Việt Nam.
Theo ông Tú Anh, trong 2 tháng đầu năm 2017, lạm phát đều ở trên mức 5%. Do vậy nếu muốn duy trì lạm phát 4% trong năm nay thì ít nhất phải có 2 tháng lạm phát dưới 3%. Chính vì vậy, nếu chạy song song với mục tiêu kiềm chế lạm phát thì cơ hội giảm lãi suất tín dụng trong năm 2017 là rất nhỏ. Vì vậy ngay từ đầu năm, NHNN chỉ đặt ra mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ, linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ nhằm hài hòa giữa mục tiêu ổn định lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng chứ không đặt nặng mục tiêu giảm lãi suất. Và gần như việc giảm lãi suất tín dụng chỉ có thể thực hiện được nếu các yếu tố bên ngoài tác động tích cực.
Đồng tình với chia sẻ của ông Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng, mặc dù nhu cầu giảm lãi suất của cộng đồng DN là rất lớn nhưng NHNN cũng cần hết sức thận trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Bởi trong bối cảnh các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… đang có nhiều biến động về kinh tế - chính trị như hiện nay thì sự ổn định giá trị đồng nội tệ, ổn định tỷ giá hối đoái mới là những nhu cầu mà bất cứ DN nào cũng trông đợi.
Dẫn chứng rõ hơn về những bất ổn tại các thị trường lớn liên quan đến nền kinh tế Việt Nam và chính sách tiền tệ trong nước, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong năm 2017, thị trường Hoa Kỳ sẽ có dấu hiệu khởi sắc. Việc Tổng thống mới của Hoa Kỳ triển khai các chính sách kinh tế táo bạo như cải cách thuế theo hướng có lợi cho DN sẽ khiến dòng vốn trở về thị trường này ngày một nhiều. Bằng chứng là giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã tăng gần 3.000 tỷ USD kể từ ngày 8/11/2016 (ngày bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ). Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố rút khỏi TPP. Điều này đồng nghĩa rằng cơ hội đón đầu khai thác các lợi thế từ TPP đối với Việt Nam từ thị trường Mỹ sẽ gặp trở ngại.
Trong khi đó, theo ông Thiên, trong năm 2017 các thị trường lớn của Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục diễn biến không sáng sủa hoặc tăng trưởng ở mức rất chậm. Phía EU, sau sự kiện Brexit, đồng Euro đã mất giá 3%; tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2016 ở mức 0,9% và có dấu hiệu chững lại. Trong lúc đó, thị trường có ảnh hưởng lớn nhất với Việt Nam là thị trường Trung Quốc thì đang có quá nhiều rủi ro. Vòng xoáy mất giá của đồng Nhân dân tệ, sự hao hụt dự trữ ngoại tệ tại Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động đầu tư FDI và thương mại với các thị trường, trong đó Việt Nam bị chi phối rất lớn.