Nhu cầu vốn của doanh nghiệp dịch chuyển
Gia tăng chiều sâu cho tín dụng kết nối | |
BIDV triển khai chương trình ưu đãi dành riêng cho khu vực ĐBSCL | |
Thúc đẩy dòng vốn tín dụng hợp phần lúa gạo cho các tỉnh ĐBSCL |
“Nút thắt” vốn hạ tầng và định giá đất đai
Trong một hội nghị kết nối giữa ngành Ngân hàng với các DN tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua. Hầu hết các DN kiến nghị Chính phủ nhanh chóng cởi mở những “nút thắt” liên quan đến nguồn vốn đầu tư trung hạn cho các DN nói riêng và cho vùng ĐBSCL nói chung.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, việc thiếu vốn ngân sách và phân bổ không hợp lý nguồn vốn trung hạn cho hạ tầng vùng ĐBSCL đã khiến khu vực này khó thu hút đầu tư và hạn chế sức cạnh tranh. Theo thống kê của VCCI, hiện nay chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở khu vực ĐBSCL khá thấp và có chiều hướng giảm. Hiện 36,4% DN ở vùng này có sản phẩm hư hại do chất lượng đường sá yếu kém. Mỗi DN thiệt hại trung bình 25 triệu đồng/năm và mất trung bình 7,2 ngày làm việc/năm do hệ thống giao thông bị tắc nghẽn, đường sá ngập lụt, hệ thống cầu, phà quá tải.
Ảnh minh họa |
Đồng quan điểm, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Fulbright Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hàng năm cho toàn vùng chỉ khoảng 16% là chưa tương xứng với mức độ đóng góp và những đòi hỏi tăng trưởng của vùng ĐBSCL. Do hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng khiến việc thu hút DN tại các tỉnh ĐBSCL bị hạn chế. Từ đó dẫn tới thiếu việc làm cho lao động nông thôn và hình thành các làn sóng di dân về các thành phố lớn.
Ở góc độ tín dụng ngân hàng, theo thống kê của NHNN, mặc dù hiện nay dư nợ cho vay vào khu vực ĐBSCL vẫn đạt con số trên 455.100 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 4/2017) nhưng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 7,8% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Với tỷ trọng này được cho là khá thấp, ông Võ Hùng Dũng cho rằng nguyên nhân chính nằm ở cơ chế xác định giá trị đất đai. Bởi hiện nay, nếu so sánh với các vùng kinh tế khác thì khu vực ĐBSCL là khu vực có số DN được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều nhất (trung bình 85,35%). Đáng ra, với lợi thế này các DN tại ĐBSCL sẽ tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng từ các NHTM.
Tuy nhiên, do các chính sách quản lý, định giá đất ở và đất nông nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế nên hạn mức tín dụng các NHTM cấp cho DN hàng năm dựa trên giá trị tài sản thế chấp bị đóng khung về số lượng, thường là rất thấp so với giá trị thực của thị trường.
Thực tế này được ông Phạm Thái Bình (Công ty Trung An-Cần Thơ) cho rằng không phải do các NHTM gây khó khăn, vì khi định giá tài sản thế chấp các ngân hàng cũng phải căn cứ vào bảng giá đất ở, đất nông nghiệp của từng địa phương. Nhưng nó lại khiến nhiều DN bỏ qua các cơ hội sử dụng các nguồn lực có sẵn, bởi nếu giá trị đất đai được tính sát với giá thị trường hơn thì nhiều DN đã có thể được cấp hạn mức tín dụng lớn hơn trên cùng một khối lượng tài sản thế chấp.
Gỡ từ cơ chế hợp tác công tư
Theo quan điểm của ông Trần Văn Phẩm, Giám đốc CTCP thủy sản Sóc Trăng, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đều đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp. Các tổng công ty lớn trong ngành nông nghiệp cũng đã tiến hành cổ phần hóa, tái cấu trúc lại bộ máy tổ chức cũng như đổi mới chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng thị trường.
Để cạnh tranh được với các DN FDI cũng như các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như: Vingroup, FPT, TH, Thành Thành Công… nhiều DN đã phải chủ động mở rộng liên kết, tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu khép kín. Các chi phí đầu tư cho hạ tầng ban đầu, chi phí thường xuyên cho việc duy trì liên kết DN - nông dân, chi phí đổi mới hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị công nghệ… đang là nhu cầu ngày càng lớn của các DN tại ĐBSCL. Tuy nhiên, với cơ chế đầu tư ngân sách hạn chế như hiện nay, cộng với những nút thắt về định giá tài sản thế chấp, nguồn vốn đầu tư trung hạn tại khu vực ĐBSCL đã thấp lại ngày càng cách biệt xa với nhu cầu phát triển của cộng đồng DN.
Riêng ở phía tín dụng ngân hàng, ông Võ Hùng Dũng cho rằng, trong lúc chờ Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng cũng như các chính sách phân bổ nguồn ngân sách đầu tư dài hạn cho khu vực ĐBSCL, các NHTM cũng nên rà soát, xem xét lại những quy trình trong cơ chế cho vay vốn của mình, bởi thực tế hiện nay quan hệ tín dụng giữa các NHTM và DN không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa bên vay và bên cho vay mà là mối quan hệ hợp tác khá toàn diện và bình đẳng.
Trong khi nhu cầu sử dụng vốn đầu tư của DN có sự chuyển biến cả theo chiều rộng và chiều sâu bắt nguồn từ những sự cải tổ, tái cấu trúc mạnh mẽ của từng DN thì các NHTM vẫn áp dụng những quy trình, cơ chế cho từ 10-15 năm trước. Như thế sẽ rất khó khăn để gia tăng nguồn vốn tín dụng cho khu vực ĐBSCL trong bối cảnh tỷ trọng dư nợ ở khu vực này đã có chiều hướng giảm.