Thúc đẩy dòng vốn tín dụng hợp phần lúa gạo cho các tỉnh ĐBSCL
Giá lúa ở ĐBSCL tăng mạnh | |
Lộ trình thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL | |
Xử lý vốn dư Hợp phần C của Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL |
Ngày 2/3, tại TP.HCM, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy dòng vốn tín dụng (Hợp phần lúa gạo) nhằm cung cấp các khoản vay trung và dài hạn ổn định trên cơ sở lãi suất thương mại cho các DN chế biến lúa gạo tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đầu tư máy móc thiết bị và cơ sở chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị gạo Việt Nam.
Dự hội nghị có đại diện Ngân hàng Thế giới, Lãnh đạo Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án VnSAT của 8 tỉnh ĐBSCL là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và đơn vị triển khai dòng vốn tín dụng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV. Ngoài ra còn có sự góp mặt của đại diện các ngân hàng bán lẻ (PFI), các DN kinh doanh, chế biến, xuất khẩu lúa gạo của khu vực ĐBSCL.
Hợp phần phát triển lúa gạo bền vững là một trong bốn hợp phần chính của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), bao gồm 3 tiểu hợp phần: Hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất lúa gạo và quản lý tiên tiến; Hỗ trợ đầu tư tư nhân vào công nghệ và thiết bị chế biến lúa gạo; Nâng cao hiệu quả dịch vụ công nhằm tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của dự án.
Trong khuôn khổ hợp phần này, một phần vốn tín dụng 55 triệu USD, nguồn vốn từ BIDV thông qua các PFI được lựa chọn cung cấp các khoản vay trung và dài hạn trên cơ sở lãi suất thương mại cho các DN đáp ứng các tiêu chuẩn lựa chọn của Dự án nhằm mở rộng quy mô và nâng cấp trang thiết bị, công nghệ để nâng cao giá trị và chất lượng gạo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi sôi nổi, thẳng thắn và thống nhất các nội dung xoay quanh cơ chế cho vay. Bên cạnh đó, Hội nghị còn giới thiệu các ngân hàng PFI chính thức thuộc hệ thống ngân hàng bán lẻ cho doanh nghiệp đó là 6 ngân hàng Agribank, VPBank, Ngân hàng Hợp tác, OCB, Techcombank, ABBANK và 2 ngân hàng đang trong quá trình xem xét là LienVietPostBank và TPBank.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với vai trò là ngân hàng bán buôn của dự án, thông qua các định chế tài chính bán lẻ được lựa chọn sẽ thực hiện cho vay lại và quản lý nguồn vốn tín dụng của dự án nhằm đảm bảo vốn được đưa đến những đối tượng là các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch cổ phần hóa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến lúa gạo phù hợp đáp ứng mục tiêu của dự án đề ra.
Những doanh nghiệp được lựa chọn sẽ thu mua lúa trực tiếp từ các tổ chức nông dân thuộc vùng dự án thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ, từ đó giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cấp chất lượng của thị trường lúa gạo.
Ngoài ra, tham gia vay vốn từ cấu phần tín dụng Dự án VnSAT, các DN còn được gián tiếp hưởng lợi từ các hoạt động đào tạo về kỹ thuật, mô hình quản lý tiên tiến và hoạt động hỗ trợ một phần các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng cho người nông dân/các tổ chức nông dân mà dự án triển khai trong hợp phần phi tín dụng.
Dự kiến, số vốn gốc của khoản tín dụng sẽ được BIDV tiếp tục quản lý và cho vay quay vòng thực hiện các mục tiêu của dự án cho đến năm 2040.