Những công trình dân sinh để… ngắm
Bất chấp quy định pháp luật | |
Xây dựng không phép thách thức chính quyền? |
Cho thuê nhà văn hóa
Nhà văn hóa Lao động Thừa Thiên - Huế (thuộc Liên đoàn Lao động Thừa Thiên - Huế), tọa lạc trên một khu đất đẹp, chiếm hàng trăm mét mặt tiền của đường Phạm Văn Đồng (TP. Huế). Nhà văn hóa này gồm một nhà thi đấu đa năng hình cánh diều rộng chừng 1.000m2, trong đó có 9 sân cầu lông cùng với 2 sân bóng đá mini, 2 sân quần vợt và một dãy nhà chức năng hai tầng, 14 phòng làm việc…
Nhà văn hóa Lao động Thừa Thiên - Huế trở thành điểm cho DN thuê |
Các hoạt động diễn ra tại đây chủ yếu là thể thao, bên cạnh vài sinh hoạt văn hóa lẻ tẻ của các câu lạc bộ nhạc, họa, yoga... nhưng hầu như ít người biết đến. Đặc biệt, ở khu chính giữa gần nhà điều hành văn hóa, nhiều phòng ốc thuộc dãy nhà đã được cho Trung tâm đào tạo nghề lái xe Tâm An thuê làm văn phòng và phòng học kỹ thuật lái xe của trung tâm này.
Cạnh đó là một kiôt khá lớn kinh doanh quần áo và dụng cụ thể dục thể thao. Vào sâu bên trong, cạnh sân bóng còn có một quán cà phê khá quy mô… Sân vườn rộng lớn cho thuê làm nơi trưng bày và chăm sóc cây cảnh. Nhiều diện tích khác trở thành nơi đỗ các dãy xe tải, xe hơi mang biển tập lái, khiến không gian nhà văn hóa vốn được xây dựng khá đẹp nay trở nên rất hỗn độn.
Ông Lê Lộc, cán bộ phụ trách hành chính Nhà văn hóa lao động Thừa Thiên - Huế cho biết, tổng mức đầu tư cho những công trình lên đến hơn 62 tỷ đồng, từ nguồn của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và một phần vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Từ khi đưa vào hoạt động (năm 2012), đơn vị chủ quản là Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế giao nhiệm vụ nhà văn hóa phải tự thu chi. Song 9 sân cầu lông, 2 sân bóng đá, 2 sân quần vợt và những câu lạc bộ (thể dục, thể hình, yoga...) mỗi ngày thu hút chừng 300 người dân đến tham gia. Nhà văn hóa chỉ thu một khoản phí để bù lại tiền điện nước, gần như không lấy phí mặt bằng.
Do đó, đơn vị phải cho thuê mặt bằng nhiều chỗ để tạo nguồn thu, chi trả lương cho cán bộ nhân viên. “Hiện các hạng mục tại nhà văn hóa mới chỉ hoạt động khoảng 30% công suất thiết kế… Chỉ hoạt động văn hóa thì thu làm sao đủ chi? Chúng tôi cho thuê để có nguồn thu nhưng với điều kiện không được làm ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa”, ông Lộc phân trần.
Chung cư hiện đại để cỏ mọc
Cũng trên địa bàn TP. Huế còn có ba khối nhà chung cư 4 tầng tại đường Nguyễn Văn Linh (TP. Huế) trị giá gần 47 tỷ đồng nhằm bố trí tái định cư cho các hộ dân sống trên Thượng Thành - Eo Bầu khi giải tỏa nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế hoàn thiện gần 3 năm nay mới chỉ sử dụng 1/10 diện tích đang xuống cấp.
Ba khối nhà chung cư 4 tầng tại đường Nguyễn Văn Linh xây dựng khá hiện đại, thiết bị nội thất tốt với diện tích mỗi căn hộ từ 40-65m2 gồm 2-3 phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp… còn được xem là “bãi đáp” lý tưởng cho các đối tượng tiêm chích ma túy.
Trong khi, những hộ dân nằm trong diện giải tỏa di dời chờ chuyển đến nơi ở mới lại phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ bằng bức vách tre nứa, mái lợp tôn, có hộ còn che bạt... trên Thượng Thành - Eo Bầu và hầu như nhà nào cũng có từ 2-3 thế hệ đang sinh sống.
Ông Dương Quang Hiền, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế cho biết, 3 khối chung cư quy mô 98 căn hộ, với tổng mức đầu tư theo quyết toán vốn đầu tư của Ban Đầu tư và Xây dựng TP. Huế làm chủ đầu tư, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế là đơn vị tiếp nhận, với giá trị 46,17 tỷ đồng theo Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Việc xây dựng công trình này nhằm phục vụ bố trí tái định cư cho các hộ dân sống trong vùng phải di dời để triển khai dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế. Góp phần sớm ổn định cuộc sống cho người dân sinh sống trên Thượng Thành - Eo Bầu và chấm dứt tình trạng lấn chiếm lộn xộn làm xâm hại di tích Huế đã được UNESCO công nhận từ năm 1993...
Đồng thời làm tiền đề từng bước chỉnh trang cũng như góp phần cải thiện cảnh quan chung đô thị Huế, tạo cho các hộ dân ổn định cuộc sống an sinh xã hội… Song kể từ ngày nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng vào năm 2013, công trình này mới chỉ có 11 hộ dân vào ở còn lại 87 căn hộ chưa bố trí là do một số hộ dân cho rằng đơn giá xây dựng quá cao, mặt khác một số hộ dân diện giải tỏa không muốn vào ở chung cư mà muốn tự lo chỗ ở.
Cũng theo ông Hiền, khi xây dựng phương án tái định cư thì người dân đã biết việc bố trí tái định cư về đất hoặc về căn hộ chung cư trước khi giải tỏa. Nhưng người dân không nhận là quyền của họ, vì mọi người được quyền từ chối nhận đất tái định cư hoặc căn hộ chung cư hoặc tự lo chỗ ở…