Những thách thức cần hóa giải
Ông Nguyễn Anh Dương |
Trao đổi với TBNH, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nền kinh tế bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, song cũng bộc lộ không ít thách thức cần hóa giải.
Ông nhìn nhận thế nào về những biến chuyển của nền kinh tế thời gian gần đây?
Nền kinh tế có không ít bước chuyển biến tích cực, rõ nét nhất là ở công tác điều hành kinh tế. Chính phủ đã đưa ra một loạt các thông điệp, với tư tưởng chung là tạo lập môi trường chính sách dễ tiên liệu hơn, khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân được tái khẳng định qua cách thức, hành động xử lý nhanh chóng những vụ việc cụ thể.
Những chuyển biến ở công tác điều hành còn được ghi nhận do gắn với bộ máy Chính phủ mới cho 5 năm tới. Những chuyển biến này “đánh trúng” kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và dân cư, trong bối cảnh đà cải cách môi trường kinh doanh được tái lập từ năm 2014 với những sửa đổi ở Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các Nghị quyết 19 của năm 2014 và 2015... Đây chính là nền tảng để kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn trong những năm tới.
Nhưng hẳn là vẫn còn những vấn đề mà chúng ta cần quan tâm và cần làm rõ hơn trong thời gian tới?
Sự hứng khởi của thị trường và doanh nghiệp đối với thông điệp và hành động ban đầu của Chính phủ là khá rõ. Tuy nhiên, công tác điều hành còn đối mặt với không ít thách thức, nhìn từ cảm nhận của thị trường và cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ nhất, yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng được cụ thể hóa nhờ nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô (CSVM), hay dựa nhiều hơn về các cải cách nền tảng kinh tế vi mô? Trong những giai đoạn trước đây (chẳng hạn như 2006-2007, hay 2009-2010), để thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta đã nới lỏng CSVM rất nhanh (thông qua tăng tín dụng, mở rộng đầu tư công...). Cách làm này giúp nhanh chóng đạt được tốc độ tăng trưởng cao, song thiếu bền vững và để lại hệ lụy không nhỏ với kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như lạm phát cao, thâm hụt ngân sách lớn…
Việc nới lỏng CSVM có thể vẫn cần thiết trong thời điểm này, nhưng chưa đủ. Thay vào đó, chính sách cần ưu tiên hơn tới khuyến khích và nuôi dưỡng sự hứng khởi của khu vực tư nhân. Ưu tiên này bước đầu được thể hiện qua Nghị quyết 19 mới của Chính phủ năm 2016 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đi kèm với đó là các giải pháp để thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Vấn đề là những định hướng ấy cần tiếp tục được ưu tiên, cụ thể hóa và thực hiện nhất quán trong thời gian tới.
Nền kinh tế bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, song cũng bộc lộ không ít thách thức cần hóa giải |
Thứ hai, chúng ta vẫn chưa cụ thể hóa một tầm nhìn dài hạn, với những ưu tiên cụ thể cho phát triển bền vững. Câu chuyện chính sách không chỉ, và không nên chỉ xoay quanh các vấn đề trong 1-2 năm tới mà cần có những cân nhắc dài hạn hơn, chẳng hạn về môi trường, lao động… gắn với hoạt động kinh tế. Chính phủ cần làm rõ ưu tiên của mình với những vấn đề dài hạn, chẳng hạn tái cơ cấu nền kinh tế hay nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tương tự, cần hài hòa cả về chính sách và cách truyền tải thông điệp để vừa đảm bảo doanh nghiệp được hưởng lợi, vừa giúp người lao động có động lực nâng cao năng suất. Việc tăng lương tối thiểu vùng và tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tại cùng một thời điểm với những hệ lụy cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động chính là một bài học tiêu biểu.
Chính phủ cần bảo đảm đội ngũ làm chính sách và cộng đồng doanh nghiệp thích ứng với một tư duy hiện đại hơn trong điều kiện hội nhập, gắn với tích lũy ngắn hạn để nâng cao năng lực và phát triển trong dài hạn. Hiện tại, chúng ta có thể và cần tận dụng tối đa cơ hội từ những FTA tiêu chuẩn thấp (như FTA với Hàn Quốc; AEC...).
Nhưng việc tận dụng cơ hội ấy phải hướng tới tích lũy nguồn lực và kinh nghiệm tổ chức sản xuất, nhằm chuẩn bị và tham gia thành công trong thực hiện những FTA tiêu chuẩn cao hơn (như TPP; FTA với EU) – sẽ đi vào thực hiện sau một thời gian nữa. Vậy thì chúng ta cần chuẩn bị dựa trên cơ sở những FTA mà chúng ta có thể khai thác được ngay, sau đó tích lũy và hướng tới thực hiện những hiệp định cao hơn. Cách làm chính sách của Chính phủ phải hỗ trợ cho tư duy ấy.
Liên tiếp gần đây xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến đăng ký kinh doanh, các dự án gây xâm hại môi trường và Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ. Tuy nhiên, để giảm thiểu được các vụ việc tương tự trong tương lai, góp phần cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn thì Chính phủ cần hành động gì?
Đây là thách thức thứ ba mà tôi muốn nói tới. Đối với một số vấn đề mới phát sinh thì Chính phủ đã có những giải quyết trực tiếp, kịp thời. Câu chuyện về đăng ký kinh doanh (việc truy tố tội kinh doanh trái phép với chủ quán quán cà phêXin Chào) hay xử lý tác động môi trường của dự án đầu tư nước ngoài là những dẫn chứng. Có thể thấy cách nhận thức, xử lý cũng như tạo được sự đồng thuận trong xử lý các vấn đề phát sinh hiện nay đã được làm khá bài bản. Những vấn đề ấy có thể phát sinh từ các văn bản chính sách và pháp luật, hay cách thức hiểu và thực thi trước đây. Vậy thì Chính phủ cần bảo đảm những vấn đề đó không tái diễn.
DN sẽ dễ tính bài toán kinh doanh của mình hơn nếu có một hệ thống chính sách pháp luật bài bản |
Yêu cầu về trung và dài hạn là Chính phủ cần xây dựng được các yêu cầu, thực tiễn tốt về ban hành, thực hiện, tham vấn chính sách, và tương tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp. Chính phủ không thể hàng ngày đi xử lý các sự vụ, mà cần lưu tâm đến xây dựng một hệ thống chính sách pháp luật để dần hướng đến tinh thần thượng tôn pháp luật của mọi thành viên thị trường. Nếu thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về môi trường chính sách dễ tiên lượng hơn, doanh nghiệp sẽ dễ tính toán cụ thể hơn bài toán kinh doanh của mình và tôi tin rằng, lúc đó họ sẽ yên tâm hơn để đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh.
Công tác chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) vốn là vấn đề rất được quan tâm trong suốt thời gian qua trong bối cảnh Việt Nam vừa ký nhiều FTA cũng như đang tiếp tục đàm phán nhiều hiệp định mới. Tuy nhiên, cùng với quá trình chuyển giao bộ máy mới, dường như câu chuyện này bỗng nhiên “lắng dịu”. Nhìn nhận của ông về vấn đề này?
Từ góc độ nghiên cứu, tôi tin và mong rằng, sự chậm chạp này chỉ là do xuất phát từ các yếu tố kỹ thuật, chứ không phải từ vấn đề nhận thức. Chuẩn bị chậm có thể liên quan đến câu chuyện chuyển giao, hoàn thiện bộ máy, như Quốc hội thì cũng phải chờ bầu cử xong. Bản thân những vấn đề liên quan đến điều chỉnh chính sách, hệ thống pháp luật cho phù hợp với các cam kết HNKTQT cũng không thể hoàn thiện trong một sớm, một chiều. Để đi từ chuẩn bị về chính sách, pháp luật đến chuẩn bị về năng lực thích ứng, cạnh tranh, điều chỉnh chiến lược sản xuất – kinh doanh lại còn là một bước đi khó khăn hơn nữa. Thách thức ở đây chính là làm thế nào để duy trì được nhận thức và đồng thuận trong việc xử lý các vấn đề của HNKTQT. Ở đây, cần lắm những ưu tiên và biện pháp cụ thể của Chính phủ, ngay trong thời gian tới.
Những thách thức trên đây tương tác với niềm tin của thị trường và cộng đồng dân cư. Thách thức có thể nhanh chóng giảm đi với những hành động cụ thể phù hợp của Chính phủ. Trong chừng mực ấy, với những thông điệp tích cực, Chính phủ cần tiếp tục với những bước đi mới, nhất quán.
Xin cảm ơn ông!