Nợ công và rủi ro cho vay lại
Đầu mối quản lý nợ công: Nên để Chính phủ phân công cụ thể | |
8 tháng, vay nước ngoài hơn 2,3 tỷ USD; trả nợ hơn 1,1 tỷ USD | |
Giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 (đợt 2) |
“Tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn của các khoản vay về cho vay lại có xu hướng gia tăng, chủ yếu phát sinh ở các khoản Chính phủ chịu rủi ro tín dụng”, đây là một chi tiết trong bức tranh nợ công mà ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã chia sẻ với một số nhà báo.
Vay nhiều thì sinh nợ, không vay - không nợ
Nợ công đã và vẫn là vấn đề quan ngại của không ít người trong xã hội khi thấy con số nợ cứ tăng dần lên và nợ đã dần chạm ngưỡng an toàn trong khi thế giới cũng đã có những quốc gia vỡ nợ, hoặc đứng trước khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, nhiều nước đạt nhiều thành tựu từ sử dụng nợ công. “Trên thế giới hầu như nước nào cũng có nợ công, nợ hình thành từ việc đi vay và gắn với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia”, ông Hiển cho biết.
Nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ |
Nhờ nợ công mà nhiều ngành nhiều lĩnh vực phát triển khá. “Vietnam Airlines có đội bay trẻ, máy bay hiện đại là nhờ vốn vay Chính phủ bảo lãnh. Dầu khí cũng nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ đã tăng hiệu quả và tăng năng lực khai thác lên 14-15 triệu tấn/năm. Giao thông đường bộ, nhất là đường cao tốc phát triển mạnh trong mấy năm qua. Đường sắt cũng được hiện đại hóa nhờ vốn vay…”, ông Hiển điểm lại.
“Nhưng vay nhiều cũng sinh ra nợ, không vay thì không nợ. Do sức ép nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta phải thực hiện chiến lược huy động vốn…”, ông Hiển phát biểu. Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố, KTNN xác định nợ công đến 31/12/2015 theo Luật Quản lý nợ công là 2,556 triệu tỷ đồng, bằng 61% GDP, thấp hơn con số Chính phủ báo cáo 52.382 tỷ đồng.
Siết chặt cho vay lại
Không chỉ là nợ đang tăng lên, thu ngân sách khó khăn mà khả năng trả nợ trong tương lai cũng là vấn đề đáng quan ngại. Gần đây câu chuyện nợ công thêm nỗi lo mới đó là vấn đề rủi ro cho vay lại khi mà có tới 9,1% số nợ cho vay lại là nợ quá hạn, trong khi đó, một số nhà tài trợ đã không còn cho vay ưu đãi ODA như trước đây mà đã chuyển sang cho vay thương mại.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện có 530 dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ được Chính phủ cho vay lại cho các dự án thông qua cơ quan cho vay lại với tổng dư nợ ước tính ở mức 13,05 tỷ USD, chiếm 90,3% tổng dư nợ cho vay lại của Chính phủ. Trong đó chủ yếu là nợ nhóm 5, nhóm nợ có khả năng mất vốn, phải dự phòng 100% là 60 dự án với dư nợ khoảng 1.550 triệu USD (bao gồm cả SBIC), tương đương 10,7%.
Kết quả kiểm toán của KTNN xác định đến 31/12/2015, tổng dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 28.034 tỷ đồng, bằng 9,1% tổng dư nợ, thì số nợ quá hạn vào khoảng 9.730 tỷ đồng. Trong số nợ vay lại của 55 dự án mà KTNN kiểm toán là 5.641 tỷ đồng thì nợ quá hạn của 8 dự án đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là 1.402 tỷ đồng; nợ quá hạn của Dự án Xi măng Hạ Long 268 tỷ đồng; Dự án Thiết bị thi công công trình - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là 185 tỷ đồng; Dự án Thủy điện Nậm Chiến 129,5 tỷ đồng…
“Nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải cơ cấu lại, gia tăng nghĩa vụ của Quỹ tích lũy và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ”, kết luận kiểm toán của KTNN viết.
Trong 10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với dư nợ 199,02 triệu USD thì có 7 dự án nợ quá hạn và phải khoanh nợ 105,95 triệu USD, chiếm 53,2% tổng dư nợ ứng vốn từ Quỹ Tích lũy. Trong đó Dự án Nhà máy sản xuất bột Giấy Phương Nam 60,42 triệu EUR (quá hạn 41,9 triệu EUR, khoanh nợ từ năm 2014); Dự án Xi măng Hạ Long 52,21 triệu EUR (quá hạn 23,51 triệu EUR); Dự án Xi măng Thái Nguyên 30,79 triệu EUR (nợ quá hạn 14,27 triệu EUR).
Ông Hiển cũng khẳng định tới đây sẽ siết chặt, giám sát chặt việc sử dụng vốn vay về cho vay lại. Để kiểm soát việc cho vay lại và các khoản vay lại, trong dự thảo sửa đổi Luật Quản lý và sử dụng nợ công đã có những sửa đổi cơ bản như: đối tượng, điều kiện, phương thức và thẩm định phương án tài chính vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, bảo lãnh Chính phủ; mục đích vay và sử dụng vốn vay của chính quyền địa phương; nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng vốn vay công; công bố thông tin nợ công; quy định về Quỹ Tích lũy trả nợ...
Dự thảo luật sửa đổi chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công có 3 chương mới, trong đó dành hẳn một chương riêng về Quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ là để tách bạch quan hệ NSNN - nợ Chính phủ với nợ Chính phủ cho vay lại các dự án. Chương này quy định các nội dung cho vay lại theo hướng: Rõ ràng, tăng cường minh hiệu quả sử dụng vốn vay lại và tăng tính trách nhiệm của đơn vị vay lại. Có thêm một chương riêng quy định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ trong đó có quy định cả về quản lý vay và trả nợ của chính quyền địa phương. Và một chương mới về chỉ tiêu an toàn, chiến lược và chương trình và kế hoạch vay, trả nợ công.
“Có ý kiến cho rằng điều kiện vay lại như dự thảo là quá chặt chẽ, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tổ chức tài chính tín dụng”, ông Hiển cho biết và khẳng định tinh thần của dự thảo là kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội thấp hoặc không rõ ràng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại. Trước đây địa phương vay ODA hầu như được ngân sách cấp phát… nay địa phương phải tự quyết định danh mục dự án của mình và tự cân đối khả năng vay và trả nợ, như vậy mới nâng cao được trách nhiệm của người vay, chứ cứ trung ương vay cho vay lại mà không gắn với trách nhiệm hoàn trả sẽ gây ra rủi ro lớn. Dự thảo cũng có quy định về thu phí rủi ro cho vay lại. “Nếu không thu phí rủi ro, NSNN sẽ phải chuẩn bị 150 – 200 triệu USD/năm để trả nợ nước ngoài đúng hạn”, ông Hiển cho biết.