Phải tìm được tiếng nói chung
NHNN yêu cầu đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối NH-DN | |
Tăng chất cho chương trình kết nối | |
Kết nối NH-DN sang trang mới |
Trong tuần qua có lẽ mọi sự chú ý đều hướng về sự kiện chính trị, kinh tế lớn là Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội với sự tham dự của 2.000 DN. Hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, số người tham dự cũng khoảng gần 10.000 đại biểu.
Trước ngày diễn ra hội nghị, trong báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với thông tin cho rằng việc tiếp cận vốn vay thời gian qua còn nhiều khó khăn, thủ tục cho vay rườm rà, thời gian kéo dài.
Ảnh minh họa |
Chia sẻ thông tin này với một lãnh đạo NHTM, vị này cho rằng, nghe thông tin những người làm NH cảm thấy không vui và những thông tin chung chung như vậy có thể làm tổn thương tới nỗ lực của ngành NH thời gian qua trong việc giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ DN. Dù ở vị trí nào, cán bộ NH luôn xác định DN là đối tác, khách hàng quan trọng và phải tìm kiếm khách hàng. Ở môi trường đầy cạnh tranh như hiện nay nếu được DN đến tiếp cận NH thì cán bộ NH càng vui.
Chỉ có điều, khi đến với NH hay khi NH và DN đến với nhau có tìm được “tiếng nói chung” hay không? Ở đây “tiếng nói chung” gồm hàm ý, DN muốn vay vốn có đáp ứng được đủ các điều kiện để NH sẵn sàng mở hầu bao cho vay mà cảm thấy yên tâm hay không mới quan trọng. Vì thật đơn giản, NH đi vay để cho DN vay đương nhiên NH phải gắn trách nhiệm với đồng tiền này. Chính vì vậy, trước khi cho vay NH phải thẩm định kỹ để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất có thể.
Bên cạnh phân tích trên thì người viết bài cũng có thể hiểu thêm một ý nữa rằng, có thể “tiếp cận vốn còn khó khăn” ở đây còn do các thủ tục liên quan đến bên ngoài thẩm quyền của NH như các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm khiến DN không có tài sản thế chấp vay NH; hay dự án sản xuất kinh doanh của khách hàng còn sơ sài, chưa đủ thuyết phục được NH…
Còn để nói về nguồn vốn tín dụng cho DN, trong đó có DNNVV hiện chiếm tới 90% tổng số DN thì một báo cáo mới đây của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 12/2016, tổng dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.202.117 tỷ đồng, tăng 14,26% so với cuối tháng 12/2015, chiếm khoảng 21,84% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Con số này cũng không phải là thấp, nhất là khi DNNVV trong nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay.
Thực tế mà các NH đúc kết được về khả năng tiếp cận vốn của DNNVV còn hạn chế do khá nhiều nguyên nhân như: Những khó khăn từ bản thân nền kinh tế, thị trường ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp; Chính sách bảo lãnh vay vốn của NH Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương chưa thực sự hiệu quả; Việc xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ của các TCTD còn gặp khó khăn do thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý kéo dài, cách thức xử lý chậm trễ của các cơ quan có thẩm quyền...
Ngoài ra, bản thân các DNNVV cũng chưa thực sự quan tâm đến tính chính xác, đầy đủ và thống nhất của báo cáo tài chính; năng lực quản trị, điều hành của DN còn hạn chế khiến các TCTD gặp khó khăn trong đánh giá, thẩm định nhu cầu vay vốn. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, hiệp hội, TCTD, DN trong hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV hiệu quả chưa cao.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, muốn tiếp cận được vốn bản thân nội tại của mỗi DN phải chủ động lớn mạnh và hoàn thiện mình và cần sự phối hợp vào cuộc của các ngành chứ không riêng NH. Về phía ngành NH, trong phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với DN, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, NH tiếp tục đồng hành cùng DN, lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của DN thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp cũng như các kênh thông tin, nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn; đồng thời, nghiên cứu, chỉnh sửa cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn... Ngành NH luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ DN phát triển.