Tăng chất cho chương trình kết nối
Hà Nội: Gần 3.000 tỷ đồng kết nối NH - DN | |
Thêm hơn 500 tỷ đồng kết nối NH - DN trên địa bàn Thừa Thiên Huế | |
Kết nối NH - DN: Cần sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn |
Tính đến thời điểm hiện nay, chương trình kết nối NH – DN trên địa bàn TP.HCM năm 2017 đã được 16 NHTM cam kết cho vay với tổng số vốn là 226.000 tỷ đồng và 10 triệu USD. Lãi suất cho vay tiền đồng của gói tín dụng này là 7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 8-10%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn.
Ngày 10/1, NHNN chi nhánh TP.HCM phối hợp với Sở Công Thương TP. HCM tổ chức Hội nghị Sơ kết chương trình kết nối NH – DN trên địa bàn thành phố năm 2016 và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình trong năm 2017. Theo đó, hầu hết các ý kiến từ phía DN và ngành NH đều đồng tình, trong giai đoạn 2017-2020 phạm vi kết nối của chương trình cần đào sâu vào việc phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ tài chính hỗ trợ DN.
Giải ngân vượt kế hoạch cam kết
Theo Báo cáo của NHNN Chi nhánh TP.HCM, tính đến thời điểm 31/12/2016 Chương trình kết nối NH – DN trên địa bàn thành phố đã cho vay được 281.216 tỷ đồng đối với 21.914 khách hàng. Trong đó, 16 NHTM đã giải ngân được 227.708 tỷ đồng cho trên 7.700 khách hàng DN theo gói tín dụng đã cam kết hồi đầu năm 2016. Ngoài ra, các TCTD ký kết trực tiếp với quận, huyện cho vay trên 53.500 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với kế hoạch mà chính quyền TP.HCM đặt ra hồi đầu năm 2016 đối với Chương trình kết nối NH – DN thì các NHTM trên địa bàn thành phố đã giải ngân vượt khoảng 16.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2016, số tiền cho vay thông qua chương trình kết nối NH – DN đã cao hơn 60% so với năm 2015 và bằng tổng số tiền cho vay, giải ngân của chương trình trong suốt 4 năm giai đoạn 2012-2015.
Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, sở dĩ chương trình kết nối NH – DN đạt được sự tăng trưởng và phát triển vượt bậc như trên là vì trong năm 2016, nối tiếp những thành công của các năm trước, NHNN và hệ thống các NHTM trên địa bàn ngay từ đầu năm đã xác định hoạt động kết nối NH – DN là hoạt động tín dụng trọng điểm. Theo đó, suốt cả năm các TCTD đã tập trung rất mạnh vào 3 hình thức kết nối với DN. Bao gồm: thực hiện giải ngân gói tín dụng trên 211.500 tỷ đồng do các NHTM cam kết cho vay vào đầu 2016; chủ động tổ chức ký kết cho vay trực tiếp đối với DN các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên; chủ động phối hợp với chính quyền các quận, huyện tổ chức các buổi ký kết cho vay DNNVV, hộ kinh doanh, cá nhân tại địa bàn từng địa phương cụ thể.
Tổng kết, sau 4 năm thực hiện chương trình kết nối NH – DN, nguyên nhân cơ bản khiến cho số lượng các NHTM và DN cũng như lượng vốn tín dụng tham gia vào chương trình này ngày một nhiều là vì niềm tin giữa NH và DN đã được khôi phục khá nhanh chóng và hiệu quả.
“Chương trình kết nối NH – DN đi từ chỗ ban đầu tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN đã chuyển dần sang quan hệ hợp tác sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi. Thời điểm 2012, DN thiếu vốn đi tìm NH mà không vay được. Sau đó thì NH tạo ra chương trình kết nối, đi tìm DN để cho vay. Và bây giờ thì sự hợp tác đã trở nên thân thiết. Niềm tin lẫn nhau đã được tạo dựng nên đồng vốn cũng chảy nhanh và mạnh hơn” – ông Minh nói.
Tăng sản phẩm - dịch vụ hỗ trợ DN
Đánh giá về những hiệu quả của Chương trình kết nối NH – DN trên địa bàn TP.HCM trong năm 2016 cũng như suốt 5 năm vừa qua, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng: “Trước đây các cuộc ký kết thường chỉ có các DN lớn có quan hệ quen biết với NH mới tham gia thì hiện nay hầu như DN nào có nhu cầu vay vốn đều có thể được NH chủ động tiếp cận. Việc cho vay kết nối sau 4-5 năm đã đi vào thực chất, căn cứ thực tế vào độ khả thi của từng dự án sản xuất kinh doanh và có sự công bằng, không phân biệt DN lớn, nhỏ” – ông Việt Anh nói.
Lãi vay trong chương trình kết nối NH-DN góp phần giảm giá thành hàng hóa |
Theo ông Việt Anh, đến thời điểm hiện nay các DN tham gia chương trình kết nối hầu hết đều đã không còn lo ngại về vấn đề lãi suất và hạn mức vốn vay nữa. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì chương trình kết nối NH – DN, các NHTM cần gia tăng các sản phẩm, dịch vụ đi kèm với chương trình. Chẳng hạn, thông qua việc kết nối với DN, các NH nên hình thành các gói vay hỗ trợ vốn cho công nhân, người lao động của công ty mua sắm nhà cửa, phương tiện; phát triển các dịch vụ kết nối thanh toán; phát triển các dịch vụ tư vấn đầu tư cho DN…
Đồng tình với những đề xuất trên, tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, trong năm 2017, Chương trình kết nối NH – DN trên địa bàn TP.HCM nên đi vào chiều sâu.
Theo đó Phó Thống đốc gợi ý, tính đến thời điểm hiện nay thông qua chương trình, các NHTM trên địa bàn đã kết nối được với hơn 2.000 DN và đã cho vay được khoảng gần 300 ngàn tỷ đồng. Do vậy, trong các năm tới cần phải “nuôi dưỡng” mối quan hệ này. “Năm 2016 các NH đã cho vay trên 281.000 tỷ đồng rồi, thì năm nay cố gắng cam kết cho vay khoảng 500.000 tỷ đồng là phù hợp” – Phó Thống đốc nói.
Song song với việc tiếp tục đẩy mạnh số vốn kết nối, Phó Thống đốc cho rằng, trong các năm 2017 – 2020, chương trình kết nối NH – DN trên địa bàn TP.HCM nên đi vào các trọng tâm, trọng điểm để đẩy mạnh tăng trưởng.
Cụ thể, đối với các DN đã kết nối xong rồi thì gia tăng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính như dịch vụ thanh toán, tư vấn đầu tư, cho vay tiêu dùng, quản lý dòng tiền thương mại… Đối với việc tìm kiếm DN mới để kết nối thì tập trung vào những ngành, lĩnh vực mũi nhọn mà TP.HCM đặt ra như: nông nghiệp công nghệ cao, DN khởi nghiệp, DN công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, việc phối hợp chương trình kết nối NH – DN với các chương trình ưu đãi tài chính khác của TP.HCM như chương trình kích cầu, chương trình bình ổn thị trường, cho vay phát triển khu công nghiệp; cho vay chuyển đổi kinh tế nông nghiệp cũng cần tiếp tục đẩy mạnh trong các năm tới.
NH đã chủ động đi tìm DN Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, điểm mới nhất mà trong năm 2016 vừa qua các NHTM tham gia chương trình kết nối NH – DN đã thực hiện được, đó là sự chủ động tìm kiếm khách hàng bằng các cuộc ký kết rồi giải ngân trực tiếp tại các quận, huyện. Ví dụ như ở địa bàn quận 2 và quận Thủ Đức, nhờ sự chủ động của các NHTM và chính quyền địa phương, số vốn giải ngân cho vay kết nối NH – DN trong năm 2016 đã đạt khoảng 1.600 và 2.000 tỷ đồng. |