Phát triển du lịch theo hướng bền vững
Duy trì tăng trưởng
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 9 tháng năm 2013, tốc độ tăng trưởng du lịch vẫn được duy trì. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam là trên 5.490.274 lượt khách, tăng 9,9%; khách nội địa khoảng 31 triệu lượt khách, tăng 11%; tổng doanh thu từ khách du lịch trên 152.800 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Phát triển du lịch hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần đổi mới sản phẩm
Sự tăng trưởng khả quan phải kể đến các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Đà Nẵng, Quảng Ninh… Trong đó, TP. Hồ Chí Minh với tổng lượng khách quốc tế đến khoảng 2,8 triệu lượt, tăng 3% so cùng kỳ; doanh thu từ du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) trên 63.282 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là một trong các điểm sáng về tăng trưởng du lịch khá ấn tượng. Hoạt động du lịch 9 tháng năm 2013, địa phương này đón và phục vụ 11.228.934 lượt khách, tăng 26,83% so cùng kỳ năm 2012, với doanh thu 2.533 tỷ đồng, tăng 27,69% so cùng kỳ.
Những tháng qua, không ít địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều sự kiện để phát triển, thu hút khách du lịch. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng lại được đầu tư nâng cấp chất lượng và đưa vào hoạt động. Du lịch Việt Nam vẫn được quốc tế đánh giá cao. Trong đó, phải kể đến việc Hà Nội lọt top 5 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á 2013, Đà Nẵng lọt top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á 2013 do tạp chí Smart Travel Asia bình chọn.
Đồng thời, nước ta có 3 bảo tàng được bầu chọn trong 25 bảo tàng hút khách nhất châu Á. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: Năm 2013 mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng du lịch Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng. Ngành Du lịch có khả năng đạt ngay trong năm 2013 mục tiêu đề ra cho năm 2015 trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, ngành Du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.
Tại hội nghị về Chính sách Du lịch có trách nhiệm diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, ông Kai Partale, chuyên gia ngành Du lịch, Dự án EU – ESRT cho rằng, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua. Du lịch có trách nhiệm nhận được sự quan tâm và cam kết trong một số lĩnh vực quan trọng.
Điều này được minh chứng qua các trung tâm hỗ trợ khách du lịch, xúc tiến vai trò và trách nhiệm của các hiệp hội, nâng cao chất lượng dịch vụ, vệ sinh, an toàn và an ninh, chiến lược tiếp thị, quảng bá du lịch Việt Nam và xây dựng các tiêu chuẩn du lịch có trách nhiệm trong bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam.
Giữa năm 2013, Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ đã thiết lập một khung chính sách du lịch có trách nhiệm cho Việt Nam. Qua đó, cung cấp một tài liệu, sáng kiến đóng góp cho ngành Du lịch phát triển bền vững, có lợi nhuận, cạnh tranh hơn…
Cần có trách nhiệm
Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, cần phải có một hệ thống chính sách với nội dung xuyên suốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du lịch phát triển. Gần đây, du lịch có xu thế chững lại, tốc độ phát triển không cao. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là chính sách phát triển du lịch chậm đổi mới, còn gây cản trở.
Ông Hà Thanh Hải, Trưởng nhóm chuyên gia Dự án EU – ESRT cho hay, ngành Du lịch lành mạnh phụ thuộc vào sự hợp tác, phối hợp giữa các thành phần và bắt đầu bằng việc đối thoại xây dựng cởi mở giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Đối thoại công – tư cũng cần tập trung vào chiến lược marketing và quảng bá; quy hoạch điểm đến và phát triển sản phẩm; xây dựng chính sách, chiến lược phát triển nguồn nhân lực…
Cùng đó, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, phát triển du lịch hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của điểm đến và tính bền vững. Thực tiễn trong giai đoạn vừa qua cho thấy, để du lịch Việt Nam có thể phát triển bền vững, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng và trách nhiệm của các thành phần liên quan. Đặc biệt, hoạt động du lịch cần tăng khả năng thu hút sự tham gia rộng rãi của các thành phần xã hội.
Có thể nói, du lịch có trách nhiệm là lựa chọn duy nhất đối với ngành Du lịch mang tính cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao với những sản phẩm và dịch vụ tốt. Du lịch có trách nhiệm sẽ mở ra những thị trường cao cấp, gia tăng trải nghiệm của du khách và sự hài lòng đối với du khách, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Bài và ảnh Công Thái