Phòng, chống rửa tiền: Cần kiểm soát trung gian thanh toán
Chuẩn bị cho đánh giá đa phương cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam | |
Sửa quy định về phòng, chống rửa tiền |
Tổ chức chức cung ứng dịch vụ TGTT là đối tượng nguy cơ cao bị lạm dụng thực hiện rửa tiền, tài trợ khủng bố |
Sau gần 6 năm thực hiện, mặc dù có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn cụ thể, chi tiết các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT), Nghị định 116/2013/NĐ-CP qua quá trình triển khai đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sớm được chỉnh sửa, bổ sung để góp phần triển khai có hiệu quả cơ chế PCRT của Việt Nam. Đây là lý do mà NHNN đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116.
Phía cơ quan soạn thảo nhận định, thông qua kết quả đánh giá rủi ro quốc gia và thực tế phát sinh cho thấy một số tổ chức tiềm ẩn nguy cơ cao bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền hoặc một số tổ chức có điều kiện phát hiện những giao dịch đáng ngờ nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể.
Lãnh đạo một NHTM cũng chia sẻ, tốc độ phát triển chóng mặt của các công nghệ mới, mang tính đột phá có thể thay đổi cấu trúc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cơ quan quản lý Nhà nước khó có thể đưa ra quyết định tức thời về hành lang pháp lý phù hợp, do phải xét đến nhiều yếu tố rủi ro đặc thù với những ứng dụng mới. Nổi bật là rủi ro gia tăng nợ xấu, nguy cơ dung túng tội phạm rửa tiền do cơ chế duyệt tín dụng, định danh khách hàng lỏng lẻo nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm nêu ra tại dự thảo sửa đổi NĐ116 nằm ở đối tượng áp dụng (Điều 2). Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 2 Điều 2 về các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến PCRT, trong đó bao gồm tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT).
NHNN cho biết, quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 /11/ 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt thì tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT không phải là đối tượng báo cáo theo quy định tại khoản 3,4,5 Điều 4 Luật PCRT. Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT, các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về PCRT.
Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) cũng nhấn mạnh: “Nếu các quốc gia thông qua những đợt đánh giá rủi ro của họ xác định có các loại hình tổ chức, các hoạt động, ngành nghề kinh doanh hoặc ngành nghề nào mà có rủi ro bị lạm dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố và loại hình đó không nằm trong định nghĩa về định chế tài chính hoặc định chế, ngành nghề phi tài chính chỉ định (DNFBPs), thì quốc gia đó cần phải cân nhắc áp dụng các yêu cầu phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cho loại hình như vậy”.
Theo cơ quan soạn thảo, Nghị định 116 chưa quy định đối tượng áp dụng đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT và thông qua kết quả đánh giá rủi ro quốc gia cho thấy: Trong bối cảnh CNTT ngày càng phát triển, các dịch vụ tài chính, tiền tệ ngân hàng có nhiều thay đổi so với các dịch vụ truyền thống trước đây, căn cứ vào quy định của pháp luật và qua đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam đã xác định các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lạm dụng để thực hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Theo đó, quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phải áp dụng các biện pháp PCRT như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật PCRT.
Đồng tình với việc đơn vị soạn thảo đưa các tổ chức TGTT vào diện cần quản lý về PCRT trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 116, một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, vấn đề rửa tiền ngày càng trở nên trầm trọng hơn tại tất cả các quốc gia, và bản thân các ngân hàng cũng ý thức mạnh mẽ hơn đối với vấn đề PCRT.
“Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT nếu không được quản lý chặt chẽ thì nguy cơ tạo ra không gian rộng hơn cho rửa tiền là tương đối lớn. Cũng với nội dung liên quan, đề xuất của NHNN tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT cũng bổ sung điều 6a quy định các hành vi bị cấm, trong đó có việc cấm sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác...”, vị này cho hay.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank thừa nhận, thực tế có những công ty Fintech phát triển giải pháp trong lĩnh vực thanh toán, tín dụng, định danh khách hàng, hay áp dụng công nghệ chuỗi khối với bản chất phi tập trung, một cách tự phát, ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành và còn tồn tại xu hướng đánh đổi an toàn tài chính, đánh đổi yêu cầu tuân thủ chặt chẽ quy định về PCRT để đổi lấy mở rộng thị phần nhanh chóng.
Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 8 yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 4 nghị định này và được quyền quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng. Trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ phù hợp để nhận biết và xác minh khách hàng...