Phòng ngừa rủi ro, xử lý tranh chấp khi hợp tác công – tư
Có thể thành lập quỹ riêng để hỗ trợ các dự án PPP | |
Làm thế nào để PPP có hiệu quả | |
Gỡ “nút thắt” đầu tư PPP trong giao thông |
Nhu cầu thu hút vốn từ khu vực tư nhân và nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng lớn, vì vậy các mô hình hợp tác, đặc biệt là hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên đi cùng với nhu cầu gia tăng trên thì các yếu tố phức tạp vướng mắc nảy sinh, nhất là nguy cơ các xung đột, tranh chấp về hợp đồng, đầu tư và đòi hỏi Việt Nam - đặc biệt về hệ thống pháp luật - cần có sự chuẩn bị, thiết kế tốt để có thể phòng tránh và giảm thiểu những tranh chấp phát sinh.
Ảnh minh họa |
PPP và những rủi ro cần tránh
PPP là mối quan hệ ràng buộc giữa 3 bên: Nhà nước - NĐT và người dân. Muốn mối quan hệ ấy phát triển bền vững, các bên cùng có lợi thì không được bỏ qua quyền lợi, trách nhiệm của bên nào. NĐT đã bỏ vốn ra đầu tư thì tất yếu phải thu lại được vốn và phần lợi nhuận hợp lý, nhưng đồng thời người dân – những đối tượng thụ hưởng - cũng phải được hưởng lợi trong khi Nhà nước cũng phải đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đặt ra. Như vậy, khung khổ pháp luật, quy định về PPP không phải chỉ để bảo vệ lợi ích riêng của bên nào mà phải đảm bảo sự cân bằng và hài hòa của mối quan hệ đó.
Tại Diễn đàn VBF 2019 giữa kỳ diễn ra mới đây, có không dưới 3 đại diện các hiệp hội DN đã nêu ý kiến về vấn đề này và khuyến nghị các giải pháp để PPP thực sự phát triển ở Việt Nam. Tựu trung lại các ý kiến cho rằng, muốn thúc đẩy được PPP thì cần một khung khổ pháp luật minh bạch rõ ràng và đảm bảo tính ổn định, cùng với đó là cơ chế chia sẻ lợi nhuận – rủi ro hợp lý.
Chia sẻ tại Hội thảo phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng PPP trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức ngày 4/7/2019, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng, các dự án PPP lĩnh vực hạ tầng thường có thời gian rất dài, lên tới hàng chục năm nên các nhà đầu tư (NĐT) rất cần sự chắc chắn, an toàn, đạt được những lợi ích một cách bền vững và ít rủi ro.
“Rất nhiều NĐT tư nhân cho rằng, rủi ro mà họ lo ngại nhất là rủi ro về chính sách, khung khổ pháp luật. Chính vì vậy mà khung khổ pháp luật cho hoạt động này là rất quan trọng và NĐT kỳ vọng dự luật PPP được trình để thông qua tới đây sẽ đảm bảo được khung khổ pháp lý chắc chắn”, ông Tuấn cho biết.
Tranh chấp xảy ra, cách nào giải quyết?
“Những thực tế lịch sử khách quan ở Việt Nam như vấn đề đất đai, các khuôn khổ pháp lý không vững chắc… dẫn đến chúng ta làm không tốt việc xác định các chi phí đầu vào, các quy trình để triển khai một dự án BOT ở một số dự án”, ông Đỗ Trọng Hải nêu vấn đề.
Theo số liệu từ Chính phủ về tình hình thực hiện các dự án PPP, tính đến thời điểm tháng 1/2019 đã có 336 dự án PPP ký kết hợp đồng. Trong đó có 140 dự án BOT, 188 dự án BT và 8 dự án khác. |
Theo ông Hải đã từng có sự chểnh mảng trong xác định tổng mức đầu tư và tính toán để xác định các khoản phí mà NĐT có quyền được thu từ người dân, hoặc nhiều trường hợp đã không xác định đúng các vị trí để đặt các trạm thu phí BOT… Vì thế, Nhà nước và NĐT vẫn ký hợp đồng, triển khai dự án. Đến khi kiểm tra sau đó mới phát hiện ra nhiều vấn đề, lỗ hổng. Hậu quả xảy khắc phục rất khó khăn.
Theo ông Hải, mấu chốt của vấn đề chính là thiếu cơ chế minh bạch, rõ ràng ngay từ đầu cũng như quá trình thực thi sau đó. “Để tránh rủi ro đối với các dự án PPP, Nhà nước cần có các cơ chế, quy định và khuôn khổ pháp luật làm sao một mặt đảm bảo khả năng dự báo được những thay đổi, biến động trong dài hạn để từ đó có dư địa cho phép thích ứng với những thay đổi đó, mặt khác cần đảm bảo tính minh bạch công khai ngay từ đầu trong tính toán, kêu gọi NĐT cũng như trong đàm phán các điều kiện của hợp đồng và thực thi hợp đồng”, ông Hải khuyến nghị.
Bên cạnh đó, trong trường hợp xuất hiện tranh chấp về đầu tư và hợp đồng PPP, có xu hướng là những vụ việc như vậy sẽ được đưa ra tòa án. Tuy nhiên theo các chuyên gia, ra tòa không phải là một phương án tối ưu. “Cần có nhiều sự lựa chọn theo thông lệ quốc tế cho các NĐT và người dân, từ đó sẽ có nhiều cơ hội để có những diễn đàn giải quyết tranh chấp một cách bình đẳng, công bằng và như vậy thì chúng ta sẽ tạo thêm được sự tin tưởng và thu hút được nhiều hơn các NĐT tham gia vào lĩnh vực này. Đó là sử dụng trọng tài thương mại”, ông Hải nói.
Tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký VIAC đã chỉ ra những ưu điểm của việc sử dụng trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại cho các tranh chấp trong mô hình PPP giữa NĐT (khối tư nhân) và Nhà nước. Vị này cho biết, Chính phủ cũng đang tiếp cận theo hướng nỗ lực xử lý ngay, dứt điểm các tranh chấp phát sinh ở cấp độ hợp đồng (dân sự/thương mại) và xử lý tranh chấp thông qua đối thoại, tránh nguy cơ leo thang thành tranh chấp đầu tư, qua đó góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định.