TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư ngành bán dẫn
Về cơ hội phát triển ngành bán dẫn, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (IPTC), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang có tiềm năng trở thành trung tâm quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho Việt Nam. Ngành này không chỉ là một phần quan trọng trong ngành công nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số, hỗ trợ Việt Nam nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0.
TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư ngành vi mạch bán dẫn |
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới, với giá trị thị trường hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và có xu hướng ngày càng tăng. Những nền kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước EU đang đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chuỗi cung ứng này và trở thành các trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không có quốc gia nào đầu tư toàn bộ dây chuyền sản xuất bán dẫn khép kín vì mức đầu tư cao và khó có hiệu quả kinh tế. Đồng thời, chuỗi giá trị này được đặc trưng bởi sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc, sự phân công lao động cao và sự hợp tác chặt chẽ trong toàn bộ quá trình sản xuất.
Những thương hiệu công nghệ hàng đầu như Intel, Samsung và nhiều công ty công nghệ khác đã đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, không chỉ giúp tạo ra nhiều việc làm mới mà còn đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện có 9 tập đoàn và công ty đang đầu tư mạnh, chuyên về lĩnh vực bán dẫn, trong tổng số hơn 50 doanh nghiệp về thiết kế vi mạch, chế tạo, ứng dụng điện tử tại Việt Nam. Trong đó, sự góp mặt sớm nhất của Intel Products Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại TP. Hồ Chí Minh đánh dấu sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đầu năm 2021, tập đoàn này đầu tư thêm 475 triệu USD vào Việt Nam, nâng tổng số vốn đầu tư tại nước ta là 1,5 tỷ USD.
Sự có mặt của Intel tại Việt Nam đã đóng góp vào việc thu hút nhiều nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu, dự án tạo ra hơn 6.500 việc làm.
Samsung cũng đầu tư mạnh vào TP. Hồ Chí Minh với nhà máy Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại Khu Công nghệ cao thành phố, vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD.
Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh trở thành hạt nhân phát triển của ngành vi mạch bán dẫn thành phố giai đoạn 2025-2030. |
Ngoài các tập đoàn lớn kể trên, còn nhiều doanh nghiệp quốc tế và trong nước đang từng bước đầu tư vào ngành bán dẫn vi mạch tại TP. Hồ Chí Minh như Microchip Technology, Texas Instruments và Synopsys... Những doanh nghiệp này có kế hoạch phát triển các mảng liên quan đến thiết kế, đóng gói và kiểm định vi mạch, đồng thời hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu để xây dựng nguồn nhân lực…
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp bán dẫn từ Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản cũng đã bắt đầu đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh. Đơn cử như Công ty BE Semiconductor Industries N.V (Hà Lan) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Doanh nghiệp dự kiến đưa dự án vào hoạt động vào quý 1/2025.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết để thu hút đầu tư ngành này, UBND thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt "Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025-2030" với có mục tiêu tổng quát là phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn thành phố, hạt nhân là Khu Công nghệ cao có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đến năm 2030, Khu Công nghệ cao trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh. Song song đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề cập xây dựng lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn trở thành ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh với lợi thế về cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông thuận tiện, đội ngũ nhân lực năng động đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch. Đồng thời, thành phố cũng xác định ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là động lực tăng trưởng và là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của thành phố.
Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, Hepza đang tiếp tục chuẩn bị kế hoạch xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn vào TP. Hồ Chí Minh.
“Để chuẩn bị hạ tầng cho các nhà đầu tư, Hepza dự kiến đầu tư mới Khu công nghiệp Phạm Văn Hai (đang ở giai đoạn đấu thầu và tư vấn). Thành phố sẽ chuẩn bị về nguồn nhân lực cũng như hạ tầng, nhất là hạ tầng về điện nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ngành vi mạch bán dẫn”, ông Hà nói