Quản lý hoạt động TCTD là Hợp tác xã: Hiệu quả không nằm ở số lượng
Mỗi chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã không quản lý quá 3 phòng giao dịch | |
Gần 800 hợp tác xã chưa được giải thể | |
Quy định mới về bầu nhân sự đối với TCTD là hợp tác xã |
Cân đối chi phí phù hợp
Từ năm 2013, với mô hình hoạt động mới của hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) mà NH Hợp tác (Co-opBank) là trung tâm, lấy tôn chỉ tương trợ phát triển sản xuất khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, kinh tế hợp tác, HTX làm hàng đầu đang góp phần tích cực cho sự phát triển của hệ thống QTDND cả về số lượng và quy mô hoạt động. Tính đến hết năm 2017, theo thông tin từ Hiệp hội QTDND, trên cả nước có 1.177 QTDND đang hoạt động với 1.643.425 thành viên ở 57/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tại 2.831 xã, phường, thị trấn, tăng 11 QTDND so với năm 2016.
Hiện nay có khoảng 2,2% số QTDND có quy mô nguồn vốn nhỏ hơn 10 tỷ đồng; 79,3% có quy mô từ 10 - 100 tỷ đồng... |
Nhằm tạo ra phương hướng, chiến lược để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, Chính phủ cũng như NHNN đã có nhiều văn bản, quy định giúp QTDND có cơ sở để phát triển an toàn, bền vững. Mới đây nhất, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2018/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của TCTD là HTX.
Cụ thể, tại Điều 7 Chương I của Thông tư quy định với NH HTX: trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc TW được thành lập 01 chi nhánh; Co-opBank được thành lập mới không quá 05 chi nhánh 01 năm; một chi nhánh không quản lý quá 03 phòng giao dịch. QTDND được thành lập 01 phòng giao dịch trên địa bàn một xã, phường, thị trấn.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia tài chính cho rằng quy định của NHNN đưa ra là hợp lý. Bởi xét trên thực tế hiện mạng lưới của các NHTM tại các thị xã, tỉnh, thành phố tương đối dày đặc, tạo ra sự cạnh tranh quá lớn. Thực tế cho thấy, sức ép cạnh tranh mạnh cũng là một phần tác động đẩy lãi suất huy động tăng khi một số đơn vị lấy lãi suất làm lực hấp dẫn. Thêm nữa, việc mở rộng mạng lưới gây tốn kém không nhỏ về chi phí đầu tư cho các QTDND, Co-opBank cũng như chi phí hoạt động thường xuyên.
“Giới hạn lại sẽ buộc các đối tượng này phải tính toán, cân đối sức khoẻ tài chính kỹ càng trước khi đưa ra quyết định mở rộng mạng lưới của mình”, vị này chia sẻ. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng đối với các QTDND hoạt động tốt thì chính việc thu hẹp này liệu có khiến cho các quỹ này giảm đi cơ hội để phát triển?
Trên thực tế đúng là với các QTDND có những bất lợi hơn so với hệ thống NHTM về uy tín, quy mô, con người, vốn hay cơ sở hạ tầng... nhưng phải nhìn nhận rằng mạng lưới NHTM, QTDND đang khá dày đặc.
“Gói gọn lại, không đồng nghĩa với việc họ không thể phát triển được. Mạng lưới chỉ là một phần, kể cả khi chỉ được phép thành lập 01 phòng giao dịch thì bản thân QTDND cũng có thể có những “chân rết” là cán bộ, nhân viên toả đi từ một điểm giao dịch chứ không nhất thiết phải tập trung một chỗ. Nó tuỳ thuộc vào sự lan toả của hoạt động marketing, nếu thực hiện hiệu quả vẫn có thể tìm được khách hàng ngay kể cả khi bị giới hạn”, một chuyên gia bày tỏ.
Kiểm soát rủi ro tín dụng
Tại Thông tư 09 cũng quy định rõ, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của phòng giao dịch của Co-opBank đối với một khách hàng không phải là QTDND thành viên không được vượt quá 1 tỷ đồng, sau khi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều hoà vốn của QTDND. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của phòng giao dịch QTDND đối với một khách hàng đảm bảo tuân thủ theo quy định về giới hạn cấp tín dụng tại Luật Các TCTD, các quy định pháp luật có liên quan và không được vượt quá 100 triệu đồng.
Nếu tính về quy mô cho vay của các QTDND, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hiệp hội QTDND, Phó tổng giám đốc Co-opBank cho biết, năm 2017 tổng dư nợ đạt 79.367,5 tỷ đồng, tăng 4.906,5 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Còn theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Viện Chiến lược NH, nhìn chung các QTDND hoạt động hiệu quả, chênh lệch thu chi có xu hướng tăng. Năm 2011 là 462,4 tỷ đồng, năm 2017 là 725 tỷ đồng. Tuy vậy, có một số QTDND quy mô nhỏ hoạt động không có lãi. Nhóm hoạt động có hiệu quả là nhóm có quy mô tài sản từ 70 tỷ đồng trở lên. Con số này cho thấy thay vì có nhiều QTDND quy mô nhỏ thì chỉ nên cho ra đời những quỹ lớn, đáp ứng đủ điều kiện không chỉ về tiềm lực tài chính mà cả quản trị, điều hành.
Chủ tịch HĐQT QTDND thị trấn Nông trường Mộc Châu, tỉnh Sơn La ông Nguyễn Đức Huy thẳng thắn nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, vấn đề quản lý rủi ro thậm chí còn có phần quan trọng hơn cả việc mở rộng quy mô phát triển của QTDND. Điều này không phải không có lý khi thời gian qua, cũng có một số vụ việc đáng tiếc xảy ra với mô hình QTDND. Đồng tình với ông Huy, bà Mai Thị Minh Hương, Giám đốc QTDND Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội cũng cho rằng việc tăng cường hoạt động tín dụng bắt buộc phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, có như vậy thì quy mô hiệu quả của QTDND mới thực sự phát huy đúng giá trị.
Phát triển là tất yếu, song trong hoạt động của các QTDND, quan tâm đúng mức tới quản lý rủi ro theo các chuyên gia là tối cần thiết. Vì mô hình QTDND trước giờ gặp nhiều khó khăn, việc QTDND sử dụng vốn cho vay ra không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới những hệ luỵ, gây thiệt hại về kinh tế đã đành, quan trong là làm suy giảm lòng tin của người dân đối với QTDND. Quy định giới hạn tổng dư nợ cấp tín dụng tại Thông tư này của NHNN nhằm siết lại quản lý rủi ro là điều thích hợp.
Bản thân Co-opBank, QTDND đều phải có những quy định nội bộ, quy chế, quy trình thẩm định tín dụng chặt chẽ, và được thực hiện chỉn chu, vì đó là mấu chốt. Những quy định về giới hạn số dư cũng như giới hạn mạng lưới giúp cho quản trị rủi ro, nhưng bản chất của việc quản trị rủi ro nằm ở chuyện thẩm định về khả năng hoàn trả của khách hàng.
Việc đó đối với các quỹ TDND thực tế là còn yếu kém, khi trình độ cán bộ không đồng đều, đặc biệt chủ yếu cho vay với đối tượng người dân ở khu vực nông thôn, thị xã... còn dựa nhiều vào tài sản thế chấp, đó còn chưa kể những khai báo không chính xác của người đi vay khiến rủi ro là hiện hữu.
Theo chuyên gia, bên cạnh quy định từ phía NHNN thì chính bản thân các TCTD, trong đó có Co-opBank, QTDND phải tự cải thiện, bắt đầu từ quy trình đào tạo cán bộ.