Quản lý nợ công: Gắn trách nhiệm giữa đi vay, sử dụng vốn với trả nợ
Để giảm áp lực nợ công | |
5 tháng, bội chi ngân sách mới khoảng 3,31 nghìn tỷ đồng | |
Tăng nội lực là vấn đề cấp bách |
Rạch ròi trong quản lý nợ công
Trong phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Luật này cách đây vài tuần, khá nhiều đại biểu quan tâm tới việc quy định cơ quan nào quản lý nợ công và tiếp tục là vấn đề được các đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay. Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) cho rằng, việc đề xuất giữ nguyên quy định về đầu mối quản lý nợ công phân chia tách rời thành 3 cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước như Luật Quản lý nợ công năm 2009 có ưu điểm căn bản là phát huy được thế mạnh của mỗi cơ quan trong việc huy động các nguồn vốn vay.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường |
Điều này phù hợp với mục tiêu cần tăng nhanh nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc phân chia như trên không gắn giữa trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn với trách nhiệm và khả năng trả nợ. Điều này không chỉ gây nguy hại là vượt trần nợ công mà nguy hại hơn là thời hạn và tiến độ trả nợ gốc và lãi không phân bổ đều theo thời gian, không phù hợp với thu, chi ngân sách, thặng dư xuất - nhập khẩu và khả năng trả nợ của nền kinh tế, tạo ra áp lực trả nợ dồn vào từng thời điểm nặng như giai đoạn hiện nay.
“Vì vậy với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ nợ công, gắn trách nhiệm giữa vay nợ, trả nợ thì cách phân chia tách rời như trên theo tôi là không phù hợp” – đại biểu Cường nêu quan điểm.
Đi vào góp ý các điều khoản của Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, khoản 4 Điều 50 dự thảo luật quy định "nếu Quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn để thanh toán các khoản lãi và gốc của ngân hàng, không đủ nguồn để thanh toán các khoản lãi và gốc của các khoản nợ vay và cho vay thì cơ quan Bộ Tài chính phải trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phương án bổ sung dự toán ngân sách để xử lý rủi ro", hoặc khoản 5, Điều 43 quy định chuyển các khoản nợ vay về cho vay lại sang hình thức là nhà nước trực tiếp cấp phát vốn sử dụng và khi đó sẽ sử dụng ngân sách để thực hiện quản lý, xử lý rủi ro.
Theo ông Cường, nếu quy định như trên thì có nghĩa là người vay lại hoặc người được vay, bảo lãnh vay không trả được nợ thì cơ quan đứng ra cho vay lại hoặc cơ quan nhận bảo lãnh cũng không phải chịu trách nhiệm gì; và đương nhiên quy định này đã vi phạm vào khoản 6 Điều 5 của nguyên tắc quản lý nợ công là người vay, người bảo lãnh và người cho vay lại phải chịu trách nhiệm về các khoản vay của mình.
Cho biết lý do sử dụng tiền ngân sách vào để thực hiện, trả bù cho việc những người vay không thực hiện được là vì chúng ta đang giao trách nhiệm này cho Bộ Tài chính và đương nhiên Bộ Tài chính không thể có tiền để thực hiện việc trả thay cho các cơ quan vay nợ và không trả được; đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, giao nhiệm vụ cho ngân hàng là người quản lý vốn vay về cho vay lại và cũng là người chịu trách nhiệm và đứng ra bảo lãnh cho vốn vay.
Nếu như những khoản vay này không trả được hoặc người nhận bảo lãnh không trả được tiền vay thì ngân hàng phải sử dụng quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng để trả nợ thay và đây là một nhiệm vụ thông thường ngân hàng và đúng với chức năng của ngân hàng đang hoạt động.
Riêng khoản vay lại của chính quyền địa phương thì phải giao cho Bộ Tài chính quản lý, bởi vì nếu chính quyền địa phương không trả được nợ thì ngân hàng không thể thu nợ được của chính quyền địa phương, Bộ Tài chính thì có thể thu hồi được khi thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cho địa phương theo Luật Đầu tư công hàng năm.
Đối với khoản vay về để Chính phủ cho vay trực tiếp theo phương thức cấp phát thì nguồn trả nợ phải lấy từ ngân sách Nhà nước. Do vậy, việc quản lý khoản vốn vay này phải do đơn vị quản lý ngân sách thực hiện cân đối với khả năng trả nợ trong cơ cấu chi ngân sách hàng năm.
Cần đặt trong tương quan các luật khác
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho rằng, tại Điều 19, 20, 21, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành, dự thảo luật quy định Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn ODA, Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, phân công như vậy phù hợp, tạo điều kiện phát huy được thế mạnh của từng cơ quan, đảm bảo các cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
“Có ý kiến đề nghị chuyển sang một cơ quan duy nhất là Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ chủ trì, đàm phán, ký kết các hiệp định với nhà tài trợ do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện, theo tôi chưa hợp lý” ông Hải nói và phân tích:
Thứ nhất, theo quy trình quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã và đang là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, tham gia xuyên suốt trong tất cả các khâu, trực tiếp chủ trì các nội dung quan trọng liên quan đến nợ công như xây dựng chiến lược nợ công, hạn mức vay vốn, chương trình quản lý nợ trung hạn, chỉ tiêu an toàn nợ công, cơ chế tài chính, xác định cơ quan vay lại, kế hoạch trả nợ...
Bộ Tài chính cũng là thành viên chính thức trong các cuộc đàm phán từng hiệp định vay, cụ thể do các cơ quan khác chủ trì và có tiếng nói quyết định đối với những vấn đề về tài chính như lựa chọn thời hạn vay, kỳ trả nợ và số tiền trả nợ trong từng kỳ. Kế hoạch trả đó đều được Bộ Tài chính cân đối và tổng hợp vào kế hoạch ngân sách hàng năm. Điều này đảm bảo cho Bộ Tài chính có đầy đủ mọi thông tin để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, việc đàm phán ký kết các hiệp định vay vốn World Bank, ADB của Ngân hàng Nhà nước đều dựa trên các quyết định về chủ trương vay vốn, báo cáo khả thi, bao gồm cả ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính về tác động của khoản vay với an toàn nợ công, cơ chế tài chính, phương án vay và trả nợ vốn vay, năng lực trả nợ của người vay. Việc đàm phán ký kết này là khâu hoàn thiện về mặt thủ tục với nhà tài trợ World Bank và ADB để tiếp nhận vốn vay, không phải việc huy động vốn ngoài chủ trương kế hoạch đã được duyệt nên không phải là nguyên nhân gây khó khăn cho Bộ Tài chính trong việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công.
Thứ ba, căn cứ vào thể chế chính trị ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vừa là Ngân hàng Trung ương vừa là cơ quan của Chính phủ, nên việc Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán hiệp định vay với nhà tài trợ là hoàn toàn phù hợp.
Trong khi đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) lưu ý, nợ công tăng lên không chỉ do Luật Quản lý nợ công hiện hành không phù hợp mà do nhiều nguyên nhân, từ nhu cầu chi tiêu công của chúng ta ngày càng cao, bội chi ngân sách luôn vượt mức dự toán.
Ông Ngân đưa ra ví dụ: Bình quân 5 năm qua chúng ta bội chi là 5,8% GDP một năm, trong khi dự toán kế hoạch chỉ có 4,5% GDP. Vay ODA, vay ưu đãi vì có chữ ưu đãi lãi suất thấp cho nên chúng ta cũng đẩy nhanh việc vay và giải ngân cũng vượt mức lên tới 32,8 tỷ đô la trong 5 năm qua. Chi thường xuyên thì liên tục gia tăng, từ chỗ chỉ chiếm 55% tổng chi nay đã gần 70% tổng chi ngân sách; trong khi đầu tư công hiệu quả thấp; tăng trưởng không đạt kế hoạch... dẫn đến nợ công rất cao.
Từ phân tích trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý: Luật Quản lý nợ công cần phải đặt trong mối tương quan với các luật hiện hành như Luật Ngân sách Nhà nước để kiểm soát chi ngân sách và khai thác các nguồn thu ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại đơn vị mà Quốc hội đã thông qua năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015. Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.