Tăng nội lực là vấn đề cấp bách
Vì mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế | |
Đến ngày 25/5: Tín dụng tăng trưởng 6,53% | |
Triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt tăng trưởng 6,7% |
Ông Đỗ Văn Sinh |
Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 được Chính phủ đưa ra là tăng sản lượng khai thác dầu thô trong năm 2017 cao hơn kế hoạch. Theo ông như vậy có hợp lý không?
Tôi cho rằng, Chính phủ đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, từ đây sẽ kéo theo rất nhiều thứ có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nên dùng tổng lực từ các nguồn lực khác làm đòn bẩy cho nền kinh tế. Quan tâm đến khai thác thêm dầu chỉ là một giải pháp, theo tôi được biết, giá dầu thế giới đã cao hơn mức trong kế hoạch dự toán ngân sách đặt ra. Trong dự toán khoảng 50 USD/thùng thì thời điểm này đang là 55 USD/thùng. Đây cũng là một giải pháp, nếu giá dầu khởi sắc thì đây cũng là một hướng có thể triển khai.
Theo tính toán, nếu 1 triệu tấn dầu được hút lên để bán thì kịch bản tăng trưởng 6,7% sẽ về đích thành công. Ông đánh giá thế nào về tính toán này?
Tôi cho rằng, cũng chỉ góp một phần, thực tế nếu tăng khai thác dầu thì sẽ tăng được GDP, nhưng nếu muốn đạt được mức tăng trưởng 6,7% thì phải huy động thêm các nguồn lực khác. Thứ nhất, quyết liệt và mạnh mẽ trong việc cổ phần hóa các DNNN theo hướng vừa trước mắt, vừa lâu dài và phải bền vững.
Thứ hai, giải quyết nợ xấu. Đây là nguồn nội lực rất lớn, nếu chúng ta xử lý được thì đây sẽ là nguồn lực rất quan trọng cho phát triển kinh tế, trong khi đi vay nước ngoài ngày càng khó khăn, trần nợ công thì cao.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã xem việc khai thác thêm dầu là vấn đề cần xét thật kỹ lưỡng. Ông quan điểm thế nào về vấn đề này?
Nguồn dầu thô chỉ là hữu hạn, nên cần cân nhắc một cách thận trọng. Trong trường hợp giá dầu thế giới có xu hướng tốt thì nên sử dụng giải pháp này.
Nguồn dầu thô chỉ là hữu hạn, nên cần cân nhắc khai thác một cách thận trọng |
Việc khai thác thêm dầu có vẻ vẫn chưa “gãi” đúng vị trí “đang ngứa” của nền kinh tế?
Tôi cho rằng, quan trọng là chất lượng chứ không phải bằng mọi cách tăng trưởng GDP. GDP cũng là một chỉ tiêu phản ánh nhưng không thực chất của nền kinh tế. Đơn cử, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) ồ ạt vào Việt Nam đã làm GDP tăng rất cao, nhưng giá trị để lại cho Việt Nam là bao nhiêu khi chúng ta chỉ làm gia công, còn lại tất cả nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu.
Ngoài phương án khai thác dầu thì Chính phủ cần phải làm gì để tăng trưởng kinh tế thật sự bền vững, thưa ông?
Vấn đề cấp bách lúc này là phải thúc đẩy hỗ trợ phát triển DN trong nước để tăng nội lực cho nền kinh tế. Hiện nay Chính phủ rất quyết tâm, ví dụ như đối thoại giữa Thủ tướng với DN, “cởi trói” thủ tục hành chính. Tôi đánh giá rất cao việc Thủ tướng dành ra 100.000 tỷ đồng dành cho đầu tư nông nghiệp công nghiệp cao. Nếu làm tốt được việc này sẽ có hiệu quả rất tốt.
Thứ nhất, Việt Nam sẽ có một nền nông nghiệp mạnh. Thứ hai, chuỗi giá trị gia tăng sẽ cao hơn, tránh tình trạng hết thừa dưa hấu, thịt lợn, rồi sau đây còn cái gì nữa thì cũng chưa biết.
Để xảy ra điều này do chúng ta chưa có liên kết chuỗi giá trị, dẫn đến đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, từ đây đưa đến sự thua thiệt ngay trên sân nhà.
Xin cảm ơn ông!
Trong thẩm tra báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh dẫn một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra yêu cầu cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. |