Để giảm áp lực nợ công
Tăng nội lực là vấn đề cấp bách | |
Đổi mới mô hình tăng trưởng: Tăng trưởng vừa phải nhưng chất lượng tốt | |
Đại biểu băn khoăn giao cơ quan nào quản lý nợ công? |
Trong các phiên họp của Quốc hội vừa qua, vấn đề nợ công tiếp tục khiến nhiều đại biểu lo lắng, bởi nó đã gần chạm ngưỡng 65% GDP mà Quốc hội cho phép. Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phân tích: Chính phủ luôn điều hành theo hướng đảm bảo nguồn thu để có đủ nguồn chi như dự toán được duyệt, nhưng chỉ cân đối được một cách tương đối. Nên khi GDP không đạt thì không khống chế được tỷ lệ nợ công, bội chi trên GDP. Thực tế bội chi năm nào cũng vượt ngưỡng và tỷ lệ nợ công luôn luôn vượt kỳ vọng đặt ra và hiện đã áp sát trần.
Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) bổ sung, nợ công gần sát ngưỡng, hiện là 63,7% GDP; bội chi hiện là 5,64% GDP, trong khi mục tiêu đến năm 2020 thấp hơn 3,5% GDP. Tốc độ tăng dư nợ công 12%/năm, lớn hơn tốc độ tăng thu nhập 6,2%/năm hiện nay, nên nếu GDP thấp dẫn đến rủi ro vượt ngưỡng, vì nhu cầu huy động vốn trung hạn trong ngân sách rất lớn để trả nợ và đầu tư phát triển.
Trong những năm 2016 và 2017, vấn đề nợ công đã được kiểm soát |
Trong khi đó theo đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh), cùng với thâm hụt ngân sách và nợ công tăng lên, gánh nặng nợ công khiến áp lực trả nợ ngày càng tăng. Chia sẻ cùng sự quan tâm, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho biết: “Cử tri đề nghị Chính phủ cần tập trung giải quyết công nợ, nợ công, nợ xấu, thắt chặt chi tiêu, kiểm soát đầu tư có hiệu quả, tích cực thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí…”.
Hóa giải những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cùng với các giải pháp về khoán chi, tinh giản bộ máy, đẩy mạnh sự nghiệp công… thì nhiệm vụ tái cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công sẽ đạt hiệu quả rõ nét hơn.
Về các đối sách cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ nợ công năm 2010 ở mức 50% GDP, năm 2015 ở mức 62,5% GDP. Nếu xét về quy mô thì nợ công năm 2015 gấp 2,3 lần của năm 2010 và tăng bình quân 18,4%/năm. Trước tình hình như vậy, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Bộ Tài chính đã báo cáo với Chính phủ, báo cáo với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công. Theo đó, trong những năm 2016 và 2017, vấn đề nợ công đã được kiểm soát.
Cũng theo ông Dũng, điểm rất tiến bộ trong quá trình hành động này là chúng ta thông qua việc phát hành kỳ hạn dài trái phiếu để kéo dài thời gian trả nợ và làm giảm áp lực trả nợ công. Nếu năm 2013, chúng ta phát hành kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bình quân khoảng 3 năm thì đến năm 2016 lên đến trên 8 năm, 5 tháng đầu năm nay là 15,6 năm. Cùng với đó là chúng ta đã kéo danh mục kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bình quân từ 2,98 năm của năm 2013 đến nay đã lên trên 6 năm.
“Chúng tôi cho đây là một thắng lợi rất tốt và chúng ta đã đẩy được đỉnh nợ, nếu như năm 2014 lo đỉnh nợ năm 2016, 2017 thì bây giờ đã đẩy được đỉnh nợ đi qua”, ông Dũng chia sẻ.
Thêm nữa, toàn bộ các khoản vay của giai đoạn 2011-2013 với lãi suất rất cao, 11-13%/năm, thì vừa qua chúng ta đã phát hành trả được hết với lãi suất khoản vay mới chỉ trên dưới 6%/năm, với kỳ hạn như năm 2016 phát hành 91% là 5 năm trở lên. Năm 2017, đến thời điểm này, đã phát hành được 102.000 tỷ đồng với kỳ hạn trên 5 năm trở lên.
“Chúng tôi cho rằng quá trình tái cơ cấu nợ công trong thời gian vừa qua rất tốt”, ông Dũng tiếp tục khẳng định và cho biết Bộ Tài chính đang triển khai quyết liệt các giải pháp về cơ cấu lại thu ngân sách, đồng thời với giải pháp rất quan trọng và rất hiệu quả là tập trung vào siết chặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên. Một ví dụ điển hình là tới đây, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành quyết định về chế độ xe công.
Từ cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính kỳ vọng việc đảm bảo an toàn nợ công sẽ có những kết quả rõ nét hơn.