Quản lý nợ công: Một đầu mối hay phân quyền?
Dự án Luật quản lý nợ công sửa đổi: Khó kiềm chế nợ công gia tăng | |
Quản lý nợ công sẽ vào quy củ | |
Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công |
Rà soát Luật Quản lý nợ công hiện hành, Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ giữa 3 cơ quan: Bộ KH&ĐT, NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính trong vận động, điều phối, đàm phán, ký kết hiệp định khung, thỏa thuận vay cụ thể, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Tuy nhiên, đại diện Uỷ ban Tài chính ngân sách, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải đề nghị sửa đổi dự thảo luật này theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công. Đề xuất này đã không nhận được sự đồng tình.
Theo ông Hải lý giải, việc quản lý tập trung thống nhất này là nhằm thể chế hóa yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 07/NQ-TW, theo đó phải sớm khắc phục tình trạng “quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn”.
“Thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công”, ông Hải nói và đồng thời đề nghị bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan theo hướng cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, quy định rõ quy trình phối hợp trong công tác quản lý nợ công.
Ảnh minh họa |
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu thẳng thắn cho rằng, vừa qua nợ công tăng nhanh chủ yếu do nguyên nhân điều hành, đầu tư vượt quá khả năng của nền kinh tế. Vấn đề sử dụng nợ công không thể giải quyết ở luật này mà chủ yếu ở Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Hai luật đã có nhiều thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn, nhất là các quy định muốn phê duyệt dự án thì phải có nguồn vốn, có dự toán, có chủ trương đầu tư… Ngoài ra kế hoạch đầu tư công trung hạn vừa được Quốc hội thông qua cũng giúp kiểm soát chặt nợ công trong 5 năm tới.
Không đồng tình với lập luận của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách về việc đưa hết thẩm quyền xây dựng, đàm phán, ký kết… các khoản vay về một đầu mối là phù hợp với thông lệ, ông Thu cho rằng việc tổ chức như hiện nay còn tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và NHNN. “Nếu đưa hết về Bộ Tài chính, tôi cho rằng không tốt hơn hiện nay mà còn khiến bộ máy tổ chức đảo lộn hoàn toàn, không phù hợp với yêu cầu của Bộ Chính trị là phải ổn định tổ chức bộ máy”, ông Thu nhấn mạnh.
Đại diện NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Thường vụ Quốc hội cần xem xét và cân nhắc thận trọng vấn đề này và việc thống nhất quản lý ở đây có nên được hiểu là tập trung vào tất cả các khâu từ quá trình xây dựng kế hoạch của các khoản ODA cho đến huy động, đàm phán, ký kết… đưa về một đầu mối hay không?
Trên thực tế, Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã phân cấp rất rõ ràng trách nhiệm các cấp, các ngành, trong đó Bộ Tài chính vẫn là đơn vị đầu mối tham mưu cho Chính phủ quản lý nợ công. NHNN chỉ tham gia khâu đàm phán và ký kết các dự án của Việt Nam với các định chế tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB và gần đây có tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
“Chính phủ đã giao cho NHNN vai trò đại diện của Việt Nam tại các tổ chức này. Việc giao nhiệm vụ đại diện này cũng đã được triển khai hơn 40 năm qua, NHNN đã đảm nhiệm vai trò đàm phán, ký kết và đóng góp rất nhiều trong vận động và đàm phán ký kết các khoản ODA, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian qua. Xét trong tương quan tổng thể, đã là đại diện quyền thì về mối quan hệ và ký kết các dự án này đều do cơ quan đại diện thực hiện.
Hơn nữa trong 40 năm qua, NHNN đã làm rất tốt vai trò này và đã có kinh nghiệm trong đàm phán, ký kết, đóng góp nhiều trong thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với WB, ADB, cũng như hỗ trợ hiệu quả khi Việt Nam là thành viên sáng lập của AIIB thời gian qua. Với việc đang làm rất tốt, đang có kinh nghiệm và được tổ chức quốc tế đánh giá cao thì NHNN đề nghị cân nhắc việc thay đổi này”, Phó Thống đốc đề nghị.
Đồng tình với ý kiến đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, cứ để ổn định như hiện nay là phù hợp với thể chế chính trị nước ta.
“Tôi đề nghị phải xem lại sai chỗ nào sửa chỗ đó. NHNN làm 42 năm nay rất tốt. Luật quy định là cơ quan đại diện cho Việt Nam tổ chức đàm phán và ký kết với các tổ chức tài chính quốc tế rất uy tín. Có thời kỳ, Thống đốc NHNN còn được chọn làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của IMF, WB và Việt Nam từng được ADB chọn tổ chức kỳ họp thường niên. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng. Vấn đề ở đây là phải xem xét các chức năng hiện nay có mâu thuẫn hay không rồi mới thay đổi”, ông Giàu đề nghị.