Quốc hội thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV |
Tờ trình số 429/TTr-CP về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nêu rõ, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (Luật PCTN), công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác. Luật PCTN đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ cũng ngày càng được cải thiện; việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả; bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
“Những bất cập của Luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên”, Tờ trình nêu rõ và chỉ ra cụ thể những bất cập.
Thứ nhất, quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện.
Thứ hai, quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp (chỉ áp dụng đối với quyết định, hành vi có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức) dẫn đến khó thực hiện trên thực tế.
Thứ ba, chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ làm giảm hiệu quả phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.
Thứ tư, các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chưa cụ thể, không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
Thứ năm, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập; việc xử lý người kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý về biến động tài sản, thu nhập còn chưa hiệu quả.
Thứ sáu, các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước và giám sát chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò, chức năng của mỗi cơ quan.
Thứ bảy, các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo còn chưa đầy đủ, chưa phát huy được sự tham gia của người dân trong việc phát hiện hành vi tham nhũng.
Thứ tám, chưa xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Luật PCTN và các văn bản pháp luật khác dẫn đến cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất, thiếu biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Luật PCTN.
Vì vậy, Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Luật PCTN (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng; cũng như để đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác được Quốc hội thông qua và nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.
Chương trình làm việc ngày 21/11: Sáng: Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Chiều: * Từ 14 giờ 00 đến 15 giờ 30: - Tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). - Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). * Từ 15 giờ 50 đến 17 giờ 00: - Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. - Biểu quyết thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi). - Biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (nếu không đề cập trong Nghị quyết khác của Quốc hội). |