Quyết liệt xử lý nợ xấu
Cùng ngành Ngân hàng quyết liệt xử lý nợ xấu | |
Agribank quyết liệt xử lý nợ xấu | |
Quyết liệt xử lý nợ xấu với nhóm ngành rủi ro cao |
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu (NQ 42), NHNN đã ban hành Chỉ thị và Kế hoạch hành động của ngành NH triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Agribank là NH đầu tiên công bố “chiến dịch” bài bản và những hành động cụ thể về xử lý nợ xấu với quyết tâm xử lý nhanh, dứt điểm, góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Tạo vốn mới đầu tư sản xuất kinh doanh
Xác định đây là những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành không chỉ liên quan đến quyền và lợi ích lớn của các TCTD nói riêng, toàn hệ thống nói chung, ngay sau khi NHNN tổ chức hội nghị triển khai NQ 42 và Đề án 1058 của toàn Ngành, Chủ tịch HĐTV Agribank ông Trịnh Ngọc Khánh đã đem tinh thần tại hội nghị truyền đạt lại cho gần 300 cán bộ chủ chốt là giám đốc các chi nhánh toàn quốc, thảo luận xây dựng cụ thể chiến lược hành động để triển khai.
Lãnh đạo Agribank còn đưa ra các giải pháp rất cụ thể mà NH dự kiến triển khai như miễn lãi suất phạt quá hạn, miễn giảm lãi… Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết liệt của Agribank trong việc chung tay cùng toàn Ngành tập trung xử lý nợ xấu để tạo dòng vốn mới tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế.
Đến 30/9/2017, Agribank tiếp tục dẫn đầu các NHTM về tổng tài sản |
Chưa hết, sau đó, Agribank còn tổ chức tiếp Hội nghị tập huấn triển khai cụ thể chi tiết các giải pháp mà NH đưa ra xử lý nợ xấu đến cán bộ từ cấp lãnh đạo đến nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện một cách quyết liệt, các giải pháp đảm bảo hiệu quả trong thực tiễn. Tại hội nghị này, Agribank đã quán triệt đến các cán bộ nhân viên nhiều vấn đề: kế hoạch xử lý nợ xấu theo NQ 42; các phương án miễn giảm lãi tồn đọng đối với các khoản nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho VAMC; một số vấn đề về thu giữ tài sản bảo đảm, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án theo thủ tục rút gọn và đề nghị cơ quan tố tụng hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự theo NQ 42; Phân loại nợ theo NQ 42; Quy chế bán các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt theo giá thị trường...
Đây đều là những nội dung rất quan trọng bởi NQ 42 là chính sách đặc biệt, chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai chắc chắn không tránh khỏi những vấp váp. Do đó việc đưa ra các giải pháp càng cụ thể bao nhiêu thì cán bộ NH càng có thể triển khai nhanh, hiệu quả bấy nhiêu.
Lãnh đạo Agribank cho biết, hiện toàn hệ thống Agribank, đặc biệt là các đơn vị liên quan đến nhiệm vụ xử lý nợ xấu đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện nhằm tập trung toàn lực trong guồng quay xử lý nợ xấu, từ xây dựng quy trình cho đến xây dựng phương án xử lý đối với từng món nợ xấu và cách thức, biện pháp triển khai thực hiện… Tất cả được tiến hành ráo riết cùng hướng đến mục tiêu xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế.
Mục tiêu Agribank quán triệt ngay từ đầu đó là quyết tâm “dọn” nợ xấu nhanh, dứt điểm, gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể hoá tinh thần trên, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về cùng một mức lãi suất cho vay của từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng, loại cho vay theo quy định về lãi suất của Agribank đối với các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Bên cạnh đó các khoản nợ đã bán cho VAMC đối với các khách hàng vay tại Agribank có lãi tồn đọng từ đủ 12 tháng trở lên (tính đến 15/8/2017 - thời điểm NQ 42 có hiệu lực), NH sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất theo các nội dung đã được VAMC ủy quyền, cũng như trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng đáp ứng các điều kiện như: hợp tác tốt, có phương án trả nợ khả thi hoặc phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi… góp phần giúp khách hàng vay giảm bớt khó khăn tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh. Mức lãi suất điều chỉnh đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và nợ xử lý rủi ro thông thường sẽ được Agribank thực hiện trên cơ sở thông báo của VAMC từng thời kỳ và theo quy định của Agribank.
Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng có nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC, đã được NH xử lý rủi ro. Sắp tới đây, theo chia sẻ của lãnh đạo VAMC, đơn vị này sẽ ký kết hợp tác với Agribank nhằm thúc đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu, phấn đấu cuối năm 2020 xử lý cơ bản toàn bộ nợ xấu của Agribank đã bán cho VAMC.
Bắt đầu chặng đường phát triển mới
Với gần 30 năm phát triển, Agribank hiện là NHTM duy nhất nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đến 30/9/2017, Agribank tiếp tục dẫn đầu các NHTM về tổng tài sản, nguồn vốn đều đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 813.000 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 73,9% tổng dư nợ và chiếm trên 51% thị phần tín dụng toàn ngành NH đầu tư cho lĩnh vực này.
Agribank có mạng lưới bao phủ khắp mọi vùng miền, huyện đảo, tuy nhiên để duy trì vận hành mạng lưới lớn đồng nghĩa với việc NH phải mất khoản chi phí không nhỏ để duy trì các điểm giao dịch này. Ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, món vay thường nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại hạn chế, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp, thói quen sử dụng tiền mặt và điều kiện cơ sở vật chất, đời sống người dân đã được cải thiện nhưng vẫn thua khá xa so với khu vực đô thị.
Vì vậy, Agribank phải tốn một lượng chi phí không nhỏ để dự trữ điều hòa tiền mặt, chưa kể chi phí kiểm đếm, bảo hiểm tiền, hệ thống kho tàng, thiết bị. Nhưng lãnh đạo NH cho biết, chi phí đó chiếm phần nhỏ so với chi phí vốn mà Agribank thực hiện triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo Chính phủ, NHNN cho khu vực nông nghiệp, nông thôn như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với lãi suất thấp... Trong khi đó Agribank tuân thủ nghiêm túc thực hiện cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường bình đẳng với các NH khác.
Nhưng NH xác định đây là nhiệm vụ chính trị của NHTM nhà nước nên trong thời gian qua, NH cố gắng tiết giảm mọi chi phí để có điều kiện thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng. Agribank nhận thức rằng, việc nỗ lực triển khai NQ 42 trước mắt có thể khiến tăng trưởng lợi nhuận của NH bị ảnh hưởng, song về lâu dài, điều này sẽ giúp NH tạo lập nền tảng tài chính vững mạnh và minh bạch, triển khai thành công Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng là tái cơ cấu giai đoạn II, hướng tới cổ phần hóa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh chia sẻ, là NHTM thuộc diện tái cơ cấu trong giai đoạn 1, mặc dù có những thăng trầm nhất định nhưng với đường lối chính sách đúng đắn, Agribank đã kết thúc thành công. Giai đoạn 2, những mục tiêu cơ bản đã được xác định, trong đó việc hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2019 là đặc biệt quan trọng. Song song với việc ráo riết xử lý nợ xấu, Agribank triển khai nhiều biện pháp hạn chế phát sinh nợ xấu mới, quyết liệt trong khắc phục những nguyên nhân chủ quan làm nợ xấu phát sinh.
Đơn cử, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ; luân chuyển cán bộ làm công tác tín dụng, luân chuyển người đứng đầu, quy định thời hạn giữ chức vụ tối đa đối với các lao động giữ chức danh chức vụ; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát, đặc biệt là kiểm tra đột xuất; xử lý nghiêm minh những trường hợp làm phát sinh nợ xấu, trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu…
Với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, NHNN, sự đồng hành, hỗ trợ của các ngành, các cấp liên quan hỗ trợ xử lý nợ xấu và tài sản thế chấp, Agribank tin tưởng rằng sẽ sớm xử lý dứt điểm nợ xấu, khơi thông dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế. NH chuẩn bị mọi tiền đề vững chắc sẵn sàng lộ trình cổ phần hóa khi có chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu một chặng đường mới trên hành trình phục vụ “tam nông” và nền kinh tế đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Agribank hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão lũ Với mục đích hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 10 gây ra, Agribank vừa quyết định chính sách hỗ trợ khách hàng đang vay vốn bị thiệt hại tại 7 tỉnh thành Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hoà Bình... Theo đó, Agribank chỉ đạo các NH chủ động áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đang vay vốn tại chi nhánh bị thiệt hại như miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn. Đồng thời NH tiếp tục thực hiện cho vay mới để khôi phục sản xuất sau lũ đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất khả thi; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với NHNN, các sở, ban, ngành tại các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên và triển khai các hoạt động an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 10. Thái Anh |