Cùng ngành Ngân hàng quyết liệt xử lý nợ xấu
Góp sức kích cầu tín dụng tiêu dùng | |
Lộ trình đẩy nhanh quá trình phổ cập tài chính | |
Tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh |
Ngay sau khi NHNN tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Agribank cũng đã tổ chức Hội nghị quán triệt tới các cán bộ chủ chốt là giám đốc các chi nhánh trên toàn hệ thống, thể hiện quyết tâm vào cuộc ngay lập tức của Agribank cùng ngành NH trong việc quyết liệt xử lý nợ xấu.
Là NHTM duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, giữ vai trò chủ lực trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cung cấp tín dụng và các dịch vụ tiện ích NH cho nền kinh tế nói chung và “tam nông” nói riêng, một lĩnh vực chịu khá nhiều rủi ro lớn bởi thời tiết thất thường, thị trường bấp bênh... nên Agribank nhận thức và quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là vai trò của Nghị quyết 42 của Quốc hội – công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD.
“Nghị quyết 42 là cơ sở pháp lý quan trọng cho các NH. Nghị quyết một lần nữa khẳng định quyền của chủ nợ trong xử lý tài sản nợ và được các cơ quan hữu quan hỗ trợ trong công tác thu hồi nợ. Thông qua Nghị quyết này, cũng đã cho phép NH xử lý các vấn đề vướng mắc về tài chính, hạch toán kế toán liên quan đến xử lý nợ xấu. Đặc biệt những quy định đã đơn giản nhiều thủ tục không chỉ liên quan đến hành chính, mà còn giảm nhiều thời gian tố tụng thu hồi nợ”, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh kỳ vọng.
Agribank sẽ ban hành Nghị quyết về miễn, giảm lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017 |
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận, Nghị quyết 42 vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với các NH khi tiến hành xử lý nợ xấu. “Nghị quyết 42 là điều kiện cần, nhưng để thu hồi nợ có hiệu quả, phải có điều kiện đủ đó là triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nội dung Nghị quyết, cũng như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đến toàn hệ thống và toàn thể cán bộ, nhân viên Agribank”, ông Khánh chia sẻ quan điểm.
Với quyết tâm cao cùng ngành NH trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, tại Hội nghị, Chủ tịch Trịnh Ngọc Khánh quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN về vấn đề này. Gần 300 cán bộ chủ chốt là giám đốc các chi nhánh toàn quốc của Agribank đã cùng thảo luận, xây dựng cụ thể về kế hoạch và chương trình hành động triển khai Nghị quyết này. Các đại biểu đã thống nhất một số giải pháp quyết liệt: Agribank sẽ ban hành Nghị quyết về miễn, giảm lãi theo hướng tổng điều chỉnh giảm lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017 (ngày Nghị quyết 42/2017/QĐ14 có hiệu lực).
Đồng thời, áp dụng cơ chế miễn 100% lãi quá hạn; miễn, giảm lãi đối với khách hàng khó khăn, thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhanh nhất với mức miễn, giảm lãi cao nhất có thể lên tới 100% số lãi tồn đọng để khuyến khích khách hàng tìm nguồn trả nợ gốc. Với cơ chế này, số lãi mà Agribank có thể miễn, giảm lên tới vài chục ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Agribank sẽ thực hiện cho vay hỗ trợ khó khăn đối với tất cả khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, đã bán của Agribank nay có nguyện vọng, khả năng và điều kiện khôi phục sản xuất, từng bước tạo nguồn trả nợ NH. Để hoạt động xử lý nợ xấu về đích đúng thời hạn, Agribank sẽ củng cố hoạt động, tăng cường năng lực cho AMC để làm đầu mối xử lý nợ xấu cho Agribank, đồng thời chuẩn bị tiếp nhận các khoản ngoại bảng khi mà Agribank thực hiện cổ phần hóa. Trong quá trình thực hiện, NH xử lý nghiêm túc cả các cá nhân cố tình vi phạm để xảy ra nợ xấu và khách hàng chây ì cố tình trốn tránh trách nhiệm trả nợ NH. Đối với việc xử lý trách nhiệm liên quan đến nợ xấu, lãnh đạo Agribank hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa của pháp luật, hạn chế tình trạng chủ nợ bị bắt trước, con nợ bị bắt sau.
Có thể nói, với những thành công đạt được trong mọi mặt hoạt động kinh doanh của giai đoạn tái cơ cấu 2013 - 2015, với quyết tâm cùng ngành NH triển khai hiệu quả Nghị quyết 42, thì triển khai đồng bộ các giải pháp trên là nền tảng vững chắc để giúp Agribank tự tin bước vào chặng đường phát triển mới, triển khai thành công Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 gắn với Đề án cổ phần hóa khi có chỉ đạo của Chính phủ.
Agribank hiện có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, nguồn vốn trên 965 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế trên 781 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 73% tổng dư nợ và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành NH. Tuy là NHTM phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, mỗi năm bằng tài chính của NH, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. |