Sáp nhập công ty tài chính: Liệu cơm gắp mắm
Chấp thuận sáp nhập VVF vào ngân hàng SHB | |
Hội nhập tạo sóng M&A | |
“Khám sức khỏe” ngân hàng hậu sáp nhập |
Chuyện NH “săn” các công ty tài chính (CTTC) từ vài năm trở lại đây ngày càng phổ biến, khi cho vay tiêu dùng lên ngôi. Nhất là khi NHNN lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD, trong đó có nội dung yêu cầu NH muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC càng hối thúc các NH mua bán, sáp nhập CTTC.
Mới đây nhất, NHNN vừa chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập CTTC cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) vào SHB và thành lập công ty con là CTTC tín dụng tiêu dùng.
NH mua lại, sáp nhập CTTC cần tự cân nhắc, tính toán rủi ro cho mình |
Những ưu điểm của CTTC thì đã rõ: thủ tục vay đơn giản, cho vay khoản nhỏ, giải ngân nhanh chóng… và các NH đương nhiên không dễ gì bỏ qua những lợi thế này nếu muốn mở rộng thị phần bán lẻ. Với việc tham gia ngày càng nhiều của các NH, thị trường cho vay tiêu dùng được dự báo sẽ ngày càng sôi động với tiềm năng tăng trưởng cao.
Tính đến nay, có 16 CTTC (chưa tính đến các công ty cho thuê tài chính) đang hoạt động trên thị trường. Dịch vụ, sản phẩm trong lĩnh vực này đều được các NHTM và CTTC phát triển ngày càng đa dạng.
Những thương vụ mua - bán diễn ra sôi nổi, nhưng cũng có ý kiến cho rằng các NHTM có quy mô nhỏ sẽ khó đáp ứng yêu cầu phải thành lập hay mua lại CTTC. Nguyên do xuất phát từ việc NHNN ban hành Thông tư số 30/2015/TT-NHNN vào cuối năm 2015 (nay là Thông tư 15/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30) quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của TCTD phi NH (gồm CTTC và công ty cho thuê tài chính). Trong đó NHNN quy định trường hợp cổ đông sáng lập là NHTM Việt Nam phải có tổng tài sản tối thiểu 100 ngàn tỷ đồng, trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.
Thực tế, nếu xét theo thước đo này, thì phần nhiều NHTMCP có tổng tài sản không đáp ứng được con số quy định đề ra. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, NH có mức độ tổng tài sản trên 100 ngàn tỷ đồng cũng đã chiếm gần đa số, các NH cũng đã lớn lên rất nhanh trong thời gian vừa qua. Những NH chưa đáp ứng con số này đã và đang có sự bứt phá khá ấn tượng.
Có thể nói tới như HDBank, từ tổng tài sản hơn 99 ngàn tỷ đồng vào năm 2014 đã tăng lên trên 102 ngàn tỷ đồng năm 2015, và trong năm 2016 NH này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt trên 125 ngàn tỷ đồng. Hay với TPBank, năm 2015 tổng tài sản của nhà băng này hơn 76 ngàn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi năm 2014, và mục tiêu cho năm nay là trên 91 ngàn tỷ…
Theo số liệu NHNN công bố, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, tốc độ tài sản tăng của khối NHTMCP là 7,73%, cao hơn mức trung bình của hệ thống là 7,5%. Một chuyên gia tài chính cũng chia sẻ, không phải NH nào cũng có kế hoạch thành lập hay sáp nhập CTTC. Những NH tiềm lực tài chính còn hạn chế sẽ tìm những hướng đầu tư và phát triển các phân khúc khác, phù hợp với thực tế của mình. Lẽ dĩ nhiên, NH có quy mô lớn chắc chắn sẽ có những lợi thế nhất định với lĩnh vực được coi là “miếng bánh ngon” này.
Thêm một băn khoăn nữa cũng được nhắc tới nhiều là khi các CTTC có nhiều khoản đầu tư khác nhau ở các công ty. Nếu một trong số những công ty đó thuộc sở hữu của NH có thể dẫn tới tình trạng sở hữu chéo gia tăng. Đồng tình với lo ngại này, lãnh đạo một NHTMCP cho rằng sở hữu chéo luôn là vấn đề tồn tại nhức nhối đối với các TCTD. Đặc biệt, trong giai đoạn các NH đang phải tự tái cấu trúc, khi nhận sáp nhập thêm một TCTD thì tất yếu công việc tái cấu trúc sẽ gây áp lực và khó khăn không nhỏ, buộc các NH phải có tính toán cụ thể, chi tiết trước khi thực hiện mua - bán.
“Phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn vốn như: thông tin khách hàng minh bạch, nâng cao trình độ của cán bộ thẩm định hồ sơ, các khoản vay phải tuân theo đúng chuẩn mực cho vay, trích lập dự phòng rủi ro… Nếu không vấn đề nợ xấu với các NH khi tiếp quản các CTTC là rất khó lường” - vị này khuyến nghị. Đó là chưa tính tới việc nghiệp vụ cho vay tiêu dùng của các CTTC có nhiều điểm khác biệt với mô hình của NHTM: số tiền, thời hạn cho vay, quy trình xét duyệt khoản vay, lãi suất…
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc chưa hoàn thiện hành lang pháp lý cho CTTC cũng gây ra những hạn chế trong việc phát triển tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam. Khung khổ pháp lý phải cụ thể, thì mới có các giải pháp để hỗ trợ cho các định chế tài chính phổ biến tài chính tiêu dùng tới đông đảo người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Theo công bố của CTCP Truyền thông Tài chính (StoxPlus), tốc độ phát triển của toàn thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam năm 2015 tăng 44% so với năm trước đó, chiếm 6,8% tổng dư nợ nền kinh tế. Hiện FE Credit chiếm 53% thị phần, 16% dành cho Home Credit, HD Saison Finance là 12% và Prudential Finance là 11%... |