Sửa đổi Luật các TCTD: Ưu tiên bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
UBTVQH sẽ tiếp tục bàn về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD | |
Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 |
Một trong những quan điểm cốt lõi của Dự thảo là đưa ra hành lang pháp lý với các hình thức xử lý phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Dự thảo đưa ra hành lang pháp lý với các hình thức xử lý phù hợp bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống |
Tham gia tái cơ cấu TCTD
Dự thảo sửa đổi, bổ sung mục 1 Chương VIII Luật Các TCTD: TCTD trong tình trạng kiểm soát đặc biệt được vay đặc biệt của NHNN, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các TCTD khác để hỗ trợ thanh khoản, để hỗ trợ phục hồi hoặc xử lý pháp nhân theo phương án phục hồi, phương án phá sản, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Khoản vay này sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả khoản nợ có tài sản đảm bảo của TCTD. Tuy nhiên, quy định cụ thể về việc cho vay đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ do NHNN ban hành.
Cụ thể, tại Điều 150 quy định về việc xây dựng và phê duyệt phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt, đối với quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt sẽ phối hợp với tổ chức BHTG, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam để đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi; đối với TCTD là tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt, việc đánh giá do Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức BHTG. Điều 150a và 150b cũng nêu cụ thể các nội dung của phương án phục hồi và các biện pháp hỗ trợ áp dụng với các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô đều được phép bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên, không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD; miễn nộp phí BHTG trong quá trình kiểm soát đặc biệt.
Tuy nhiên, mỗi loại hình TCTD nhất định sẽ có biện pháp hỗ trợ tài chính riêng. Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính được vay đặc biệt từ NHNN theo phương án phục hồi đã được phê duyệt; Hạch toán dần vào chi phí đối với phần chênh lệch giữa giá bán nợ, khoản phải thu, khoản đầu tư góp vốn với giá trị ghi sổ của các khoản trên phù hợp với tình hình tài chính của TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá 10 năm; Nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt; Mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp của TCTD hỗ trợ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN; Các biện pháp khác theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Trong khi đó, QTDND, tổ chức tài chính vi mô đều được vay đặc biệt của tổ chức BHTG từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ với lãi suất ưu đãi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt. Tổ chức tài chính vi mô có thêm nguồn vay khác là từ NHNN, QTDND được vay đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam với lãi suất đặc biệt.
Với các khoản vay của TCTD được kiểm soát đặc biệt, tổ chức BHTG được hạch toán giảm Quỹ dự phòng nghiệp vụ để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được.
Trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt không hoàn thành việc xây dựng phương án theo quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 5 Điều này hoặc phương án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 6 Điều này thì NHNN xem xét, quyết định hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng phương án xử lý pháp nhân, Dự thảo quy định về các phương án xử lý pháp nhân đối với TCTD bị kiểm soát đặc biệt, gồm: a) Sáp nhập; b) Hợp nhất; c) Chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; d) Giải thể; đ) Phá sản.
Về biện pháp hỗ trợ đối với phương án xử lý pháp nhân dưới hình thức phá sản, Dự thảo quy định, trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt của NHNN đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức BHTG chi trả theo quy định và cơ chế xử lý từ ngân sách nhà nước đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được.
Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Một trong những lo lắng của người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD là khả năng thiệt hại khi có TCTD bị xử lý pháp nhân theo hướng cho phá sản.
Tuy nhiên, với việc BHTGVN và các cơ quan có liên quan được trao thêm chức năng cho vay hỗ trợ tài chính cũng như tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt, đánh giá kế hoạch phục hồi của các TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ góp phần giảm nguy cơ đổ vỡ. Với những TCTD quy mô nhỏ, gặp khó khăn tạm thời về tài chính, khoản cho vay hỗ trợ từ BHTGVN sẽ phần nào bù đắp thiếu hụt và giúp TCTD này ổn định hoạt động.
Bên cạnh đó, trong trường hợp TCTD yếu kém không thể phục hồi và buộc phải xử lý phá sản, BHTGVN sẽ đứng ra chi trả cho người gửi tiền theo hạn mức. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm là 75 triệu đồng đối với tổng số tiền gửi cả gốc và lãi của mỗi cá nhân tại một TCTD, tăng so với mức 50 triệu đồng trước đây.
Trong trường hợp người gửi tiền có số tiền gửi lớn hơn hạn mức, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD quy định: Trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt của NHNN đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức BHTG chi trả theo quy định và cơ chế xử lý từ ngân sách nhà nước đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được. Đối tượng được chi trả tiền gửi không bao gồm người quản lý, người điều hành, cổ đông, thành viên góp vốn và người có liên quan của TCTD đó. Như vậy, trong mọi trường hợp, quyền lợi của người gửi tiền luôn được đảm bảo.
Việc xây dựng một văn bản Luật sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp luật đã có nhằm xây dựng hệ thống TCTD lành mạnh về tài chính, quản trị theo thông lệ quốc tế, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD là một yêu cầu cấp thiết, xuất phát từ thực tế.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD đã cụ thể hóa các quy định về thẩm quyền, biện pháp trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, theo đúng nguyên tắc thị trường, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống. Quốc hội khóa XIV đã thảo luận một cách cẩn trọng về Dự thảo Luật này trong kỳ họp thứ 3 với nhiều góp ý quan trọng và dự kiến sẽ biểu quyết thông qua vào kỳ họp thứ 4.