Tầm nhìn và động lực cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới
VRDF là bước kế thừa và phát triển của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG Meeting) và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) trước đây, gắn với bối cảnh thực tiễn mới của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, tác động ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.
Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tặng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam cho Ngân hàng Thế giới. |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, sau 30 năm Đổi mới, diện mạo kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đến hết năm 2017, quy mô dân số đạt khoảng 94 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 224 tỷ USD, xếp thứ 45 (nếu tính theo giá trị sức mua tương đương PPP thì quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt 647 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng và có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người. Trước bối cảnh này, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, căn bản để tiếp tục phát triển, đi lên vì nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ bị tụt hậu so với thời đại.
Trong khi đó, theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, với nền kinh tế tăng trưởng trung bình gần 7%/năm trong suốt 30 năm qua giúp thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng của Việt Nam cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 7%, so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980.
“Nhưng hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu, và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng trong nước, như dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, chi phí môi trường ngày càng lớn. Trong khi đó, bối cảnh thế giới đang thay đổi, những chuyển đổi về mô hình thương mại toàn cầu và Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội, vừa tạo ra những rủi ro mới và Việt Nam sẽ cần phải lựa chọn hướng đi cho mình”, ông Ousmane Dione nói.
Tại Diễn đàn lần này, Bộ KH&ĐT đã công bố tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam. Tài liệu nhằm giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan và công chúng một cách khái quát, ngắn gọn các thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại và chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới, đưa ra thông điệp rõ ràng về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực cho phát triển.
Theo tài liệu này, mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao, với GDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD. Trong lộ trình từ nay đến năm 2035, GDP đặt mục tiêu đạt 290 tỷ USD vào năm 2020; 440 tỷ USD vào năm 2025; 670 tỷ USD năm 2030 và 1.050 tỷ USD vào năm 2035.
Để đạt được những mục tiêu như vậy, các trọng tâm cải cách sẽ tập trung vào hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả.
Khung chính sách xác định, các động lực tăng trưởng chính trong gần 2 thập kỷ tới gồm: Bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhân lực và đổi mới sáng tạo; khu vực tư nhân phát triển; tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên Cách mạng công nghiệp 4.0 và thể thể kinh tế thị trường.
Tại Diễn đàn lần này, cùng với việc xác định tầm nhìn mới cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh, các phiên thảo luận đã tập trung phân tích các động lực tăng trưởng gồm phát triển khu vực tư nhân và đổi mới sáng tạo trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là những khuyến nghị chính sách, giải pháp và hành động cải cách của các chuyên gia, đối tác phát triển nhằm giúp VN khai thác và thúc đẩy được các động lực này, qua đó hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững.
Đến tham dự và lắng nghe những thảo luận, chia sẻ tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao tham luận của các diễn giả, các chuyên gia quốc tế, trong nước. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao và sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định những vấn đề thảo luận, khuyến nghị tại Diễn đàn lần này là rất hữu ích cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nêu trên và đóng góp trực tiếp cho quá trình điều hành, quản lý phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong những năm sắp tới.