Tăng nguồn lực cho tín dụng chính sách
Ấm lòng nơi biên cương | |
Chỉ thị 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo |
Ảnh minh họa |
Tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cùng đại diện lãnh đạo một số NHTM đã tham gia Đoàn công tác tại Điện Biên của Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc của Đoàn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, ngành Ngân hàng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu vốn của các DN và người dân trên địa bàn nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân.
Thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo các NHTM tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, NHNN sẽ chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tín dụng tiêu dùng, tín dụng vi mô nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn, góp phần giảm nghèo và ngăn ngừa tín dụng đen…
Trong tuần qua Vietcombank Vinh đã phối hợp với Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Nghệ An và UBND xã Châu Phong tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa ở Bản Chiềng, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu… Trước đó, BIDV đã trao tặng 25 nhà đại đoàn kết với tổng số tiền tài trợ 1 tỷ đồng tại tỉnh Thái Bình cho những hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Giải chạy “Nụ cười BIDV-Tết ấm cho người nghèo 2020” cũng đang được ngân hàng này phát động. Với mỗi km đường chạy hợp lệ mà người tham gia giải đạt được, BIDV cam kết sẽ dành từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng đóng góp cho chương trình tặng quà tết cho người nghèo năm 2020… Đây là một vài hoạt động tiêu biểu của ngành Ngân hàng trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” do Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam phát động (từ ngày 17/10 đến 18/11).
Về tổng thể, theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua ba năm triển khai (từ năm 2017 đến tháng 9/2019), số tiền ủng hộ người nghèo qua Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội là 9.656 tỷ đồng. Riêng với ngành Ngân hàng từ năm 2017 đến hết tháng 8/2019, Ngành đã hỗ trợ hơn 3.900 tỷ đồng, tập trung vào ba lĩnh vực chính: giáo dục; hỗ trợ hộ nghèo và y tế.
Còn theo báo cáo mới nhất của NHNN, đến 31/8/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cuối năm 2018, với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ tập trung ở một số chương trình: cho vay hộ nghèo đạt 35.888 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 17,96% tổng dư nợ); cho vay hộ cận nghèo đạt 31.572 tỷ đồng (15,8%); cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 33.159 tỷ đồng (16,59%); cho vay học sinh, sinh viên (HSSV), đạt 11.037 tỷ đồng (5,52%); cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh và thương nhân vùng khó khăn đạt 23.627 tỷ đồng (11,82%); cho vay giải quyết việc làm đạt 17.285 tỷ đồng (8,65%); cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 34.035 tỷ đồng (17%).
Mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đã được nâng từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ và nâng thời hạn cho vay tối đa từ 60 tháng lên 120 tháng. Riêng đối với chương trình cho vay HSSV trên cơ sở kiến nghị của cử tri, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính (đơn vị chủ trì) báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh nâng mức cho vay đối với HSSV từ 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV dự kiến lên 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV...
Những thông tin trên cho thấy ngành Ngân hàng đã và đang rất tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, qua cả hai phương thức cho “xâu cá” và cần “câu”. Mong muốn của bất cứ ai trong hoạt động xóa đói giảm nghèo là tính hiệu quả và bền vững. Chương trình tín dụng chính sách xã hội đã qua 17 năm triển khai nhưng khó khăn thường trực vẫn là thiếu nguồn lực.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị toàn quốc về tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững được tổ chức mới đây: Từ nay đến năm 2025 cần tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào NHCSXH.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục dành nguồn vốn thích đáng bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách. Bố trí nguồn lực để cho vay theo tinh thần mỗi tỉnh phấn đấu bố trí ít nhất 100 tỷ đồng; đối với các tỉnh tự cân đối được ngân sách thì phấn đấu bố trí ít nhất 500 tỷ đồng. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh con số này là 5.000 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay. Chính phủ đang xem xét giao mức tăng trưởng tín dụng cho NHCSXH giai đoạn 2020 - 2025 tối thiểu là 10%; phấn đấu lên 12 - 14% như các NHTM...
Nếu được bố trí đủ nguồn lực, có sự hỗ trợ của các địa phương thì mức tăng trưởng như trên không phải là khó với NHCSXH. Vấn đề cần chú trọng là làm sao duy trì được tỷ lệ nợ quá hạn và khoanh nợ chỉ dưới 1% như hiện nay.