Tăng thuế suất, tăng đối tượng chịu thuế không chắc ngân sách đã tăng thu
Thu đúng, thu đủ để chống thất thu | |
Điều chỉnh mức thuế BVMT với xăng là chưa thuyết phục | |
Không thể coi thuế là chìa khoá vạn năng |
Thuế chưa tăng đã thấy sức ép
Bộ Tài chính đề xuất ban hành một Luật mới để sửa đổi bổ sung 5 luật thuế gồm Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế thu nhập DN và Luật Thuế thu nhập cá nhân. Vấn đề nóng nhất là đề xuất giảm bớt đối tượng chịu thuế GTGT 5%, những hàng hóa dịch vụ đang chịu thuế GTGT 10%, từ ngày 1/1/2019 sẽ phải chịu thuế 12% (theo phương án 1) hoặc sẽ chịu thuế suất 12% kể từ ngày 01/01/2019 và 14% từ ngày 01/01/2021 (theo phương án 2).
Ảnh minh họa |
Một trong những cơ sở để sửa đổi thuế GTGT mà Bộ Tài chính cho biết là mức thuế suất thuế GTGT thông thường 10% như hiện nay là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Trên thế giới số nước áp dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách đang nhiều và tăng thuế suất GTGT đang trở thành xu hướng phổ biến. Bộ Tài chính cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức ở 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%...
Phản biện lại vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phát biểu rằng: Đã so sánh thì phải cùng mẫu số đó là điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân… Điều kiện kinh tế, xã hội ở mỗi nước khác nhau nên thuế GTGT của mỗi nước cũng phải khác nhau, các quốc gia mà Bộ Tài chính dẫn ra là những nước có thu nhập bình quân của người dân cao hơn Việt Nam.
Quy định như dự thảo sẽ khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng lên, gây thêm sức ép cho khả năng thanh toán của người tiêu dùng. “Người tiêu dùng mới là người cuối cùng chịu thuế, tăng thuế không thể không ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp và người nghèo”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng ý rằng thuế suất thuế GTGT của Việt Nam so với một số nước có thể thấp, nhưng bà Đặng Thị Bình An - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho thấy rằng kết cấu thuế GTGT trong tổng số thu ngân sách của Việt Nam lại cao hơn so với một số nước khác. Với tư cách là đại diện Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A (C&A), bà An khuyến nghị: “Việc thay đổi bổ sung Luật cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính ổn định trong thực hiện tạo thuận lợi cho DN trong việc hoạch định kế hoạch tài chính trung hạn và dài hạn”.
Trong nền kinh tế hàng hóa thị trường, nguy cơ lớn nhất của kinh doanh là không bán được hàng. Vì thế, khi chi phí tăng do thuế đẩy giá thành tăng nhưng “DN không dễ tăng giá bán”, ông Vũ Tú Thành – Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-Asean phát biểu. Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng “cần giải quyết vấn đề thu đúng, thu đủ, thu công bằng để chống thất thu thay vì tăng thuế suất”.
Nhà nước sẽ được gì và mất gì
Cũng cho rằng thuế GTGT là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu thụ, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng, luật sư Đức còn cho rằng việc tăng thuế như dự thảo sẽ làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận trực tiếp của DN và của nền sản xuất kinh doanh nói chung.
Đề xuất sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt cũng gặp phải nhiều ý kiến chưa đồng tình. Trong đó nổi lên vấn đề đưa nước ngọt vào diện đối tượng chịu thuế để “chống béo phì” như thuyết minh của Bộ Tài chính. “Dự thảo Luật này nếu được thông qua sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty nước giải khát vì
DN ngành này sẽ phải chịu thuế suất thuế GTGT từ 10 lên 12%, chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế suất thuế GTGT của đường đang từ 5% tăng lên 6%”, ông Vũ Tú Thành lên tiếng. Ông Thành tính, nếu áp thuế như dự thảo thì giá các sản phẩm nước giải khát sẽ tăng ít nhất 12%.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát cho rằng những nội dung như dự thảo mà được thông qua sẽ gây ra những hệ luỵ như tăng giá thành sản phẩm; giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm… làm doanh thu của DN có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động... Giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gia tăng.
Như vậy, đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của luật thuế này sẽ là các DN vừa và nhỏ và người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng nghèo. “Nước ngọt là thứ đồ uống phổ thông, nếu áp thuế và đẩy giá tăng tức là làm giảm cơ hội dùng nước ngọt của phần đông người nghèo”, theo ông Vỵ và ông Hùng.
Một vấn đề vẫn đang xôn xao đó là nếu sửa luật như dự thảo sẽ tác động thế nào đến sản xuất, kinh doanh và đời sống? Báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về luật này chưa trả lời được câu hỏi này. Ông Thành đặt câu hỏi Nhà nước sẽ được gì và mất gì nếu thông qua luật này? Bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch VCCI đã đặt câu hỏi với ông Trương Bá Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) rằng: “Tại cuộc họp với các chuyên gia để lấy ý kiến cho dự thảo hôm 19/8/2017, chị Mai (thứ trưởng Bộ Tài chính) có nói Bộ đã đánh giá tác động, vậy anh Tuấn cho biết đánh giá sơ bộ được không?”. Và câu trả lời của ông Tuấn là “Bộ đang khẩn trương tiến hành đánh giá tác động”.
Bà Lan đưa ra câu hỏi rất cụ thể, đó là những nội dung sửa đổi này sẽ tăng thu cho ngân sách được bao nhiêu, tăng thu có bền vững không hay sau năm 2019 lại tăng nữa, đối tượng nào, ngành nào chịu tác động nhiều nhất, những nội dung sửa đổi này đã bám theo nội dung và mục tiêu tái cơ cấu các ngành đang được thực hiện hay không? Hỏi là vậy nhưng bà cũng nói “tôi không chờ đợi kết quả đánh giá tác động mà chính cơ quan soạn thảo đưa ra vì như thế thiếu khách quan, tôi mong có một đánh giá tác động từ cơ quan độc lập với cơ quan soạn thảo”.
Tựu chung lại, các ý kiến cho rằng, khi nền kinh tế còn khó khăn, sản xuất kinh doanh vẫn rất khó khăn và thu nhập của người dân chưa cao thì việc tăng thuế chưa chắc đã làm tăng được số thu như ban soạn thảo mong muốn, vì vậy thời điểm thực hiện cần được cân nhắc cẩn trọng.