Tạo chuyển biến TTKDTM trong lĩnh vực y tế
Hóa đơn viện phí điện tử: Con đường ngắn nhất không dùng tiền mặt | |
Đồng hành cùng ngành y tế thúc đẩy TTKDTM |
Nhiều ngân hàng đang tích cực triển khai các giải pháp TTKDTM trong lĩnh vực y tế |
Theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ Y tế, toàn ngành y tế hiện có khoảng 30 bệnh viện triển khai TTKDTM. Trong đó, một số bệnh viện đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán chi phí khám/chữa bệnh không dùng tiền mặt, giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán chi phí khám/chữa bệnh.
Bệnh viện ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong và triển khai hiệu quả thanh toán chi phí khám/chữa bệnh không dùng tiền mặt. Bệnh nhân chỉ cần quét mã QR trên phiếu thanh toán bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện là lập tức có kết quả phản hồi.
Hay mới đây nhất, ngay sau Hội nghị đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế tháng 9 vừa qua, VietinBank Tràng An đã phối hợp cùng Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khai trương Dịch vụ thanh toán trực tuyến qua thẻ khám chữa bệnh sau thời một thời gian chạy thử (từ tháng 5/2019). Theo đó, các bệnh nhân khi tới khám tại bệnh viện sẽ được mở tài khoản miễn phí, đăng ký thẻ khám chữa bệnh để thanh toán viện phí. Thẻ khám chữa bệnh này tích hợp cả thẻ ngân hàng với nhiều tiện ích: lưu trữ thông tin mã số bệnh án của bệnh nhân; thanh toán viện phí, tiền thuốc; nạp/rút tiền...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử còn khá thấp; chưa kể việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn khó khăn; thói quen sử dụng tiền mặt cố hữu của người dân... Điều này đòi hỏi cần những giải pháp thiết thực để tạo sự chuyển biến trong TTKDTM lĩnh vực y tế.
Phía Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho rằng, cần có một số nguyên tắc trong triển khai thực hiện việc TTKDTM đối với thanh toán chi phí khám/chữa bệnh. Như việc phải đảm bảo các điều kiện để triển khai thanh toán điện tử không tiền mặt như: hạ tầng kết nối, hạ tầng CNTT, phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, nhân lực triển khai, đảm bảo an toàn thông tin...; cung cấp đa dạng các phương thức thanh toán chi phí khám/chữa bệnh không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thanh toán của người dân, hay như việc không được yêu cầu người dân phải thanh toán chi phí khám/chữa bệnh không dùng tiền mặt theo một phương thức thanh toán điện tử có lợi cho cơ sở khám/chữa bệnh...
Bên cạnh đó, bệnh viện cần có bộ phận hỗ trợ, quy trình hướng dẫn, bố trí điểm thu thanh toán chi phí hợp lý, hay có cơ chế phối hợp với ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán cung cấp giải pháp thanh toán điện tử chi phí khám/chữa bệnh không dùng tiền mặt; có biện pháp, giải pháp đối soát đảm bảo tính chính xác trong việc thanh toán của người dân cũng cần được xem là nguyên tắc trong triển khai.
Theo chuyên gia, trước khi có thể thực hiện các giải TTKDTM trong thanh toán chi phí khám/chữa bệnh, bản thân bệnh viện phải xây dựng kế hoạch xác định các công việc cần triển khai, thời gian dự kiến, cũng như nguồn lực, xem xét các yếu tố tác động đến hoạt động bệnh viện để có kế hoạch và phương án triển khai hiệu quả. Song song với đó, lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp, đủ năng lực...
Đại diện Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhận thấy, đơn vị phối hợp với bệnh viện triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt nên xem xét giảm chi phí khi TTKDTM đến mức tối thiểu, đồng thời xây dựng phần mềm kết nối tương thích với phần mềm của bệnh viện để việc thanh toán cho bệnh nhân được thuận lợi...
Còn dưới góc độ ngân hàng, lãnh đạo VietinBank cho biết hiện tại nhà băng này đang triển khai các giải pháp thanh toán trong lĩnh vực y tế gồm: chuyển tiền thông qua tài khoản ngân hàng; thanh toán qua POS, thanh toán bằng thẻ khám bệnh, qua QR Code, trên website/app của bệnh viện, thanh toán hoá đơn viện phí.
Theo vị này, ngoài việc bệnh viện đồng bộ hoá công nghệ, chuẩn dữ liệu chung, phát triển chất lượng cơ sở hạ tầng thì Bộ Y tế, các Sở Y tế địa phương cùng các bệnh viện cần chú trọng phối hợp với các NHTM và trung gian thanh toán tích cực đẩy mạnh truyền thông về các tiện ích của giải pháp TTKDTM tới người dân; Bộ Y tế xem xét kiến nghị Bộ Tài chính, Thủ tướng về việc tháo gỡ cơ chế tài chính cho các đơn vị y tế có cơ chế tài chính để chi trả các chi phí thanh toán cho ngân hàng.
Ông Đào Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng nêu quan điểm, với các bệnh viện, cần hợp tác với ngân hàng, trung gian thanh toán xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp TTKDTM phù hợp với đối tượng bệnh nhân cũng như điều kiện hạ tầng kỹ thuật của bệnh viện theo từng giai đoạn.
“Các bệnh viện phối hợp với ngân hàng thực hiện tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, bác sĩ, nhân viện thu ngân để khuyến khích tất cả cán bộ, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện hiểu, tư vấn cho bệnh nhân/khách hàng sử dụng các phương thức TTKDTM”, ông Tuấn chia sẻ.