Tạo hành lang pháp lý đồng bộ để tài chính vi mô hoạt động hiệu quả, bền vững
Hoàn thiện khung pháp lý về chế độ tài chính cho TCVM | |
Cân nhắc pháp lý cho tài chính vi mô |
Tham dự hội thảo có Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, Giám đốc quốc gia ADB ông Eric Sigwick; Đại diện một số Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế cùng nhóm công tác Tài chính vi mô (TCVM).
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo |
Tài chính vi mô - Công cụ rất thiết thực với người nghèo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá TCVM là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các vùng chậm phát triển, khó khăn và đối với đối tượng người có thu nhập thấp, người nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
"Trong điều kiện Việt Nam chúng ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có mục tiêu giảm nghèo bền vững thì rất cần nhiều các công cụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu này", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, bên cạnh việc NHCSXH, Agribank… đã và đang vào cuộc một cách mạnh mẽ thì không thể không nhắc đến vai trò của các tổ chức TCVM. Thực tế qua khảo sát, có thể thấy rằng đây là một loại hình nếu được tổ chức tốt, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, rõ ràng, để TCVM hoạt động một cách lành mạnh, bền vững thì đây là một công cụ rất thiết thực, rất hiệu quả với người nghèo.
Giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 20/2017/QĐ-TTg Quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ là cơ sở pháp lý cho hoạt động của tổ chức TCVM. Đến nay, TCVM là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình tài chính toàn diện mà Chính phủ, NHNN đã và đang triển khai.
"Từ góc độ hiệu quả của các chương trình, dự án TCVM, từ góc độ chính trị - xã hội và trên nền tảng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thì TCVM còn rất nhiều vấn đề cần bàn tới", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận và cho rằng, quan điểm chỉ đạo của NHNN trong thời gian tới là phải làm rõ, nhận diện rõ vai trò, ý nghĩa, tác dụng của TCVM, thực trạng hoạt động, hiệu quả, hướng phát triển của TCVM và nhìn nhận lại khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này.
Giám đốc quốc gia ADB ông Eric Sigwick: Tài chính vi mô sẵn sàng vươn tới tầm cao mới |
Luôn hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho lĩnh vực TCVM, cũng như chứng kiến sự phát triển qua từng giai đoạn, Giám đốc quốc gia ADB ông Eric Sigwick đánh giá: Lĩnh vực TCVM tại Việt Nam đã đi một chặng đường và sẵn sàng để vươn tới tầm cao mới trong việc tăng cường tài chính toàn diện. Tuy nhiên, những hạn chế và thách thức vẫn tồn tại do những thiếu sót hiện hành.
"ADB hy vọng hội thảo hôm nay là cơ hội để thảo luận quan điểm về kết quả triển khai Quyết định 20 và rút ra bài học kinh nghiệm, chia sẻ các thông lệ quốc tế và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện khuôn khổ pháp lý và nỗ lực phối hợp để các dự án và chương trình TCVM hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp, an toàn hơn", ông Eric Sigwick chia sẻ.
Tập trung bổ sung, hoàn thiện chính sách
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số tồn tại, vướng mắc trong triển khai Quyết định 20 về các chương trình, dự án TCVM. Bà Quách Tường Vy, Phó cục Trưởng - Cục III Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết: Khó khăn đầu tiên là ở việc xác định tư cách pháp lý của tổ chức đăng kí và hồ sơ áp dụng đối với các chương trình, dự án TCVM hoạt động trước khi có Quyết định 20; Chưa có quy định về việc chuyển đổi đối với chương trình, dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Điều này có thể hạn chế việc tận dụng nguồn tài chính, kinh nghiệm, kĩ thuật quản lý tốt theo thông lệ quốc tế , đặc biệt trong bối cảnh xu hướng chuyển từ vốn tài trợ sang đầu tư (góp vốn,cho vay) khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
Bà Vy cũng cho biết định hướng quản lý Nhà nước đối với các chương trình, dự án TCVM sẽ quản lý theo 3 nhóm đối tượng: Các chương trình, dự án đang hoạt động nhưng không nhận tiết kiệm tự nguyện; Nhóm đang hoạt động và có nhận biết tiết kiệm tự nguyện; Và nhóm các chương trình, dự án đăng kí mới. Đồng thời sửa đổi, bổ sung, làm rõ các quy định còn bất cập với các chương trình dự án TCVM trên cơ sở nhất quán với quan điểm quản lý.
Toàn cảnh hội thảo |
Đại diện địa phương, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Việc xác định thời gian hoạt động của chương trình, dự án TCVM trên giấy chứng nhận đăng kí, xác định đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng kí còn khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra tại chi nhánh còn ít nên gặp khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt đọng của các chương trình, dự án TCVM.
Ông Khoa đề nghị cần tiếp tục bổ sung hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện Quyết định số 20 với các nội dung: Xác nhận thời gian hoạt động, đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng kí chương trình, dự án TCVM; Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động của các chương trình, dự án TCVM…